Hà Tĩnh: 100% HTX lĩnh vực môi trường trên địa bàn được tập huấn cách xử lý chất thải rắn

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:00, 07/10/2022

Việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về phân loại, thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ giúp các hợp tác xã (HTX) lĩnh vực môi trường nâng cao năng lực hoạt động. 100% HTX lĩnh vực môi trường ở Hà Tĩnh vừa tham gia lớp tập huấn.
vs-moi-trg-sau-lu.jpg
Vệ sinh môi trường sau bão lũ.

Ngày 6/10, Liên minh HTX Hà Tĩnh vừa tổ chức khóa tập huấn chuyên đề: Hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phổ biến kiến thức về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện và các chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2022.

Tham dự khóa tập huấn, ngoài giám đốc 151 HTX môi trường trên địa bàn còn có đại biểu là những người đang công tác trên lĩnh vực môi trường thuộc các sở, ngành, địa phương. 

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ông Lê Đăng Phúc – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh nhấn mạnh: Toàn tỉnh có 1.030 HTX, trong đó có 151 HTX lĩnh vực môi trường. Khóa tập huấn này là một trong những hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đề nghị các HTX môi trường nghiêm túc tiếp thu nội dung giảng viên truyền đạt, thẳng thắn trao đổi những vướng mắc cần khắc phục trong hoạt động. Đồng thời, các giám đốc HTX môi trường cần nghiên cứu, mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, dịch vụ nhằm đảm bảo thu nhập cho thành viên và người lao động; tham gia đóng nộp bảo hiểm để người lao động yên tâm làm việc và cống hiến cho HTX.

Theo kế hoạch, dự kiến trong 2 ngày (6-7/10), chị Trần Thị Thành - chuyên viên Phòng Môi trường (Sở TN&MT Hà Tĩnh) sẽ phổ biến các nội dung về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, học viên còn được nắm bắt thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; được hướng dẫn cách thu gom, phân loại, xử lý tác thải sinh hoạt tại nguồn; cách thức tổ chức thực hiện tại địa phương cấp xã. Dịp này, học viên còn được tham quan, học tập cách phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại HTX Môi trường Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) và HTX Dịch vụ tổng hợp môi trường Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà). Đây là 2 HTX môi trường hoạt động hiệu quả tại Hà Tĩnh.

Việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt giúp các HTX môi trường thực hiện theo đúng quy trình công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, giúp người lao động trong các HTX môi trường nâng cao kỹ năng làm việc an toàn, bảo vệ sức khỏe trong quá trình tiếp xúc với rác thải.

Được biết, do ảnh hưởng cơn bão số 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 500 hộ dân trên bàn 9 huyện, thị xã nguy cơ sạt lở đất, trong đó nhiều nhất là ở các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở đất tại các khu vực đồi núi, khe suối ở tỉnh Hà Tĩnh diễn ra khá nghiêm trọng. Với những hộ dân có nhà ở sát vách núi cao, nguy cơ tai nạn do sạt lở đất luôn tiềm ẩn.

Mưa lũ, sạt lở kéo theo nhiều đất đá, cây cối từ trên cao đổ xuống làm hư hại tài sản của người dân khiến cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở những khu vực này gặp nhiều khó khăn. Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, các ban ngành, đoàn thể ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều phương án, tích cực hỗ trợ đồng bào. Việc xử lý môi trường sau bão, lũ được ưu tiên giải quyết hàng đầu với phương châm “nước rút tới đâu, xử lý môi trường đến đó”.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hà Tĩnh), đến hết ngày 2/10, toàn tỉnh có 23 xã, 53 thôn, gần 3.971 hộ, 1.783 giếng và 1.597 công trình vệ sinh bị ngập lụt do đợt mưa lớn vừa qua.

CDC Hà Tĩnh đã chủ động cấp 530.000 viên Aquatab, 1.800kg CloraminB, 1.272 chai nước rửa tay, 50.000 khẩu trang y tế cho các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố; cử các đội cơ động phòng chống, dịch có mặt tại các địa phương bị ngập nặng hướng dẫn làm vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm và đề nghị trung tâm y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền chủ động nguồn lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai hoạt động thu gom rác, vệ sinh môi trường sau lũ lụt.

Việc mở lớp tập huấn cách xử lý chất thải rắn cho các HTX môi trường trên địa bàn tỉnh giống như một cách “mách nước” để công tác xử lý môi trường đạt hiệu quả hơn.

Hạ Vy