Vấn đề xử lý nước thải đô thị (Bài 3): Xây dựng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:15, 08/10/2022
Hiện trạng khung pháp lý
Có thể kể đến các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi rường, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn như Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải; Thông tư số 04/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2014/NĐ-CP; Thông tư số 13/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước; Thông tư số 15/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường về công trình thu gom, thoát nước thải. Bên cạnh đó, còn có các quy định cụ thể về hoạt động thoát nước của các địa phương trên cả nước; các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật…
Trong đó, Luật Quy hoạch đô thị quy định cụ thể về thoát nước và xử lý nước thải là đối tượng, nội dung của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, đề ra yêu cầu đối với quy hoạch đô thị phải đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải. Luật Xây dựng quy định rõ quy hoạch xây dựng phải ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương.
Luật Tài nguyên nước yêu cầu về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Luật Bảo vệ môi trường lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch và giải pháp ứng phó với BĐKH được sử dụng trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược, quy hoạch. Luật Thủy lợi quy định việc vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi có giải pháp điều tiết nước trong điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện thời tiết bất thường có tính đến yếu tố BĐKH.
Một số luật khác như Luật Đất đai, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Khí tượng thủy văn… đều có nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, quy hoạch, quản lý đô thị trong đó có quy hoạch, quản lý thoát nước và xử lý nước thải.
Nghị định số 80/2014/NĐ-CP khuyến khích việc tái sử dụng nước mưa phục vụ các nhu cầu, góp phần giảm ngập úng, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt, đưa ra tiêu chí đảm bảo hoạt động ổn định khi có sự thay đổi bất thường về chất lượng nước đầu vào, thời tiết và biến đổi khí hậu là một trong các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải.
Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 quy định quan điểm phát triển thoát nước bền vững góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội nhằm bảo đảm thoát nước an toàn, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH và nước biển dâng. Cùng với nhiệm vụ giải pháp lập và quản lý bản đồ ngập úng đô thị theo kịch bản BĐKH, bản đồ dự báo các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực duyên hải và miền núi.
Xây dựng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển dịch vụ xử lý nước thải
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển cho hoạt động xử lý nước thải. Ngoài ra các đô thị cũng đã và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhiều dự án nhà máy xử lý nước thải như ở Hà Nội dự kiến triển khai 12 dự án xử lý nước thải với vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lớn.
Còn ở TP.Hồ Chí Minh cũng cho xây dựng 2 đường ống dọc bờ sông Sài Gòn để thu gom nước thải và đồng thời nghiêm cấm các hành vi xả thải trái phép. Thành phố cũng đang tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư và nhiều nguồn lực khác nhằm hoàn thiện các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Trong đó đến cuối năm 2020 chú trọng việc xây dựng nhanh chóng 3 nhà máy xử lý nước thải (dự kiến xử lý đến 80% nước thải sinh hoạt).
Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nước thải tại Việt Nam đặc biệt ở các đô thị, nhà nước ta cần: Xây dựng Chiến lược quốc gia, áp dụng những nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; Phát triển các chính sách và cơ chế phù hợp về tài chính cho lĩnh vực vệ sinh, kể cả đầu tư và vận hành, bảo dưỡng; Xây dựng các chính sách về cải tổ doanh nghiệp trong lĩnh vực vệ sinh; Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích mô hình đối tác công – tư và sự tham gia của khối tư nhân; Cho phép mềm dẻo trong áp dụng các tiêu chuẩn xử lý nước thải khác nhau, tùy thuộc vào nguồn nước tiếp nhận.
Đối với chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cần: Lập quy hoạch vệ sinh môi trường cho toàn thành phố, lưu vực sông; Hoàn thiện các quy định thể chế và pháp luật ở địa phương; Lựa chọn xây dựng hệ thống xử lý phân tán hay tập trung theo điều kiện của địa phương; Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp; Đảm bảo thực hiện đấu nối hộ gia đình trong quá trình phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; Lập lộ trình tăng doanh thu và tiến tới thu hồi chi phí; Nâng cao năng lực cho các đơn vị có liên quan ở địa phương; Nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng dịch vụ vệ sinh môi trường.
Cần đổi mới chính sách, thu hút đầu tư
Nói về các chính sách thu hút đầu tư để cải thiện vấn đề xử lý nước thải đô thị, ông Nguyên Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, đối với Việt Nam, để đạt được mức độ quản lý môi trường nước đang là “sự mơ ước.” Thực tế này khiến Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc học tập kinh nghiệm, hợp tác với các quốc gia phát triển là rất quan trọng để có thể đẩy nhanh xử lý ô nhiễm.
Theo đó, ông Đồng đề xuất Việt Nam có thể xem lại các hệ thống chính sách cơ chế hiện hành, để khơi thông nguồn lực quốc gia, phát triển hợp tác quốc tế. Tiếp đó, Việt Nam cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hoá - theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao để công tác này phải có nguồn thu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi không sử dụng nguồn vốn theo hướng hoạt động công ích, mà cần kêu gọi tư nhân đầu tư, theo hướng kinh tế thị trường, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi. Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, tiếp cận theo hướng kinh tế thị trường.
Ông Huân kiến nghị các chính sách nên học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước. Tuy nhiên, việc học hỏi cần áp dụng gắn với thực tế ở Việt Nam.
“Gần đây nhất, tại Nghị quyết đại hội XIII có mục chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%. Theo đó, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10-20 tỷ USD. Do vậy, chúng ta cần có chính sách để thu hút tư nhân đầu tư, áp dụng kinh tế thị trường, dùng các nguồn thu bù cho phí xử lý,” ông Huân lưu ý.
Ông Lương Ngọc Khánh, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cũng cho rằng đã đến lúc, việc quản lý và xử lý nước thải tại các đô thị Việt Nam cần được quan tâm hơn ở mọi khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành.
“Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài và bền vững, cần tăng cường các biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, trong thời gian tới, chúng ta cần hướng tới việc xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị,” ông Khánh chia sẻ thêm.