Khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:00, 07/10/2022

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa xây dựng, lấy ý kiến các Bộ và một số tỉnh, thành liên quan để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm khai thác và sử dụng nguồn nước bền vững.

Lưu vực sông Hồng- Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên là 169.000 km2. Trong đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam là 88.680 km2 chiếm 51,3% diện tích lưu vực.

Bên cạnh đặc điểm phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô, mùa mưa, nguồn nước lưu vực sông Hồng- Thái Bình còn đang chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Đặc biệt vào mùa khô, nguồn nước có xu hướng giảm, cạn kiệt nguồn nước xảy ra trên diện rộng và tình hình lũ, lụt trong mùa mưa diễn biến phức tạp hơn, điển hình như ở các tỉnh vùng thượng lưu sông Hồng.

Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông đang có tác động lớn đến nguồn nước chảy về Việt Nam gây nên tình trạng cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô.

Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, sự diễn biến phức tạp của nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu và khai thác, sử dụng nước của các quốc gia nằm trên thượng nguồn lưu vực sông làm cho lượng nước mùa khô ngày càng có xu thế suy giảm. Trong khi đó, lượng nước phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, sản xuất công nghiệp, phát triển thủy điện ngày càng tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng, các vấn đề tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng- Thái Bình ngày càng diễn biến phức tạp.

Với áp lực về phát triển kinh tế xã hội dẫn tới nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngày càng gia tăng, dự báo đến 2050 tăng lên 1,12 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội làm gia tăng xả nước thải, ô nhiễm nguồn nước, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ… một số chỉ tiêu ô nhiễm đang vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,6- 2,3 lần.

Việc khai thác, sử dụng nước chưa có quy hoạch và chưa quy định chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu càng làm cho nguồn nước ngày càng bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ mất an ninh nguồn nước lưu vực sông.

Trong mùa kiệt, mực nước sông Hồng và các sông chính hạ thấp làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước mặt của các công trình ven sông. Xu thế suy giảm mực nước ngày càng tăng làm việc điều tiết các hồ chứa thượng lưu rất phức tạp. Khan hiếm nước trong mùa khô và thiếu nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa đang diễn ra ở nhiều nơi trên lưu vực sông.

Nhiều công trình khai thác, sử dụng nước chưa được vận hành, khai thác theo đúng thiết kế nhất là các hồ chứa thủy lợi, một số hồ chứa vận hành, khai thác chỉ khoảng từ 68%- 75% năng lực thiết kế công trình….

su-dung-ben-vung-nguon-nuoc-luu-vuc-song-hong.jpg
Ảnh minh họa

Từ thực trạng và những thách thức trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc lập và phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng- Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Quy hoạch nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; phục hồi các nguồn nước, cảnh quan môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng.

Phạm vi của Quy hoạch bao gồm phần diện tích lưu vực sông Hồng- Thái Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam với diện tích tự nhiên 88.680 km2 , gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.

Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2030 sẽ điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích cho các địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước, đáp ứng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và các ngành sản xuất công nghiệp.

Bảo vệ tài nguyên nước, từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển. Bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất. Cùng với đó, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng, ưu tiên các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế xã hội…

Dự thảo Quy hoạch phấn đấu 60% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến; 40% được giám sát định kỳ. Ngoài ra, 100% các nguồn nước sông liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định. 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học không được san lấp được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ được cắm mốc.

Đặc biệt, dự thảo quy hoạch đặt mục tiêu, 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II và 20% từ các đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Khoảng 20% các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội được cải thiện, phục hồi.

Tại cuộc họp hội đồng thẩm định cấp Bộ về dự thảo Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng- Thái Bình mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng các đơn vị tài nguyên nước hoàn thiện xây dựng Quy hoạch đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2022.

Tuấn Kiệt