Thu Hà Nội nhớ lời Bác dạy trong ngày giải phóng Thủ đô
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 19:30, 09/10/2022
Mốc son rạng ngời trong tim người Hà Nội
Ngày 20-7-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng thời gian này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt. Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ Thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại; đồng thời, đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong Thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.
Trước sức mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9-1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Thành phố đúng thời hạn. Ngày 08-10-1954, Ban Tiếp nhận Quân sự của ta triển khai ở 06 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự. Bộ đội ta tiến vào Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết. Lực lượng tự vệ nhà máy cùng nhiều công nhân đến canh gác bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp của mình. Trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện, hoan nghênh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về Thủ đô. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Đến 16 giờ ngày 09-10-1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm.
Sáng ngày 10-10-1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Từ sáng sớm nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô. Đúng 08 giờ sáng, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, trở về với thành phố quê hương - nơi sinh ra Trung đoàn. Đoàn đi qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang,… đến 09 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.
Khoảng 08 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Trường Đại học Bách Khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm: cơ giới, pháo binh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 09 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.
Vào lúc 15 giờ, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau Lễ chào cờ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Dù đã bao nhiêu năm đi qua nhưng mốc son ấy vẫn luôn rạng ngời trong trái tim mỗi người con Hà Nội để rồi đến ngày 10/10 hàng năm, Hà Nội lại bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc.
Sáng mãi lời Bác dạy ngày này năm xưa
Mùa Thu Hà Nội, ta nhớ về ngày giải phóng Thủ đô cách đây 68 năm. Đó không những là niềm vui của người dân Thủ đô, mà còn là một sự kiện lịch sử trọng đại, ngày hội của nhân dân cả nước. Một vinh dự lớn đối với đại đoàn quân tiên phong trước khi vào tiếp quản được gặp Bác Hồ kính yêu tại đền Hùng (Phú Thọ).
Bác căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước... 8, 9 năm nay do nhân dân ta cương quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.
Trong bài viết Lời kêu gọi gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng, mở đầu, Người viết: “Tám năm qua, chính phủ phải xa rời thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng chính phủ luôn gần cạnh đồng bào”, thật ấm áp, chân tình, thân thương, gần gũi biết bao.
8 năm trước, Trung đoàn Thủ đô đã thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đã biến mỗi góc phố thành những chiến lũy, chiến hào chống giặc. Những người con thân yêu trước khi rời khỏi thủ đô đã nắm tay thề ngày trở lại để rồi có một cuộc trở về thật xúc động trong vòng tay hân hoan chào đón của người dân thủ đô.
Trong bài “Giữ gìn trật tự-An ninh” đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến 10-10 năm 1954, với bút danh “C.B”, Bác Hồ viết: “Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. (Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 9, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr78). Ba chữ “Thủ đô ta” chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội.
Trong tiến trình lịch sử của mình, Hà Nội đã vinh dự được nhiều lần đón Bác. Hà Nội- trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và cũng là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, là tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Hai thập kỷ sau khi được UNESCO vinh danh là 'Thành phố vì hòa bình', năm 2019, Hà Nội trở thành nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, bàn về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đóng góp cho hòa bình khu vực và thế giới. Với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy, Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước trên thế giới. Hà Nội đặt mục tiêu trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực năm 2025; đến năm 2030 trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế…
Đến với mùa Thu Hà Nội, ta lại càng xao xuyến không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, mà còn bởi vẻ đẹp cốt cách thanh lịch của người Hà Nội. Kể từ khi ra đời, Thăng Long – Hà Nội vốn là nơi hội kết tụ tinh văn hoa nhiều vùng miền khi người dân các nơi về đây sinh cơ lập nghiệp. Và đặc biệt, khi thủ đô mở rộng địa giới hành chính khiến Hà Nội hiện đại tích hợp nhiều dòng văn hóa. Đó là văn hóa Kinh kỳ, mở rộng ra văn hóa xứ Đoài, văn hóa Kinh Bắc...
Mùa Thu Hà Nội năm nay, dù phải sống, làm việc giữa lúc nhiều loại dịch đan xen song người dân thủ đô vẫn không quên nhớ về những năm tháng hào hùng ấy. Và sắc thu vẫn nồng nàn, nắng thu vẫn rực rỡ. Một sức sống tiềm tàng, tươi mới, rạng ngời khi nhớ ký ức ngày giải phóng thủ đô.