Quảng Nam: Nhiều địa phương ngập sâu, giao thông bị chia cắt do mưa lớn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:00, 11/10/2022
Phố cổ Hội An chìm trong biển nước
Sáng 11/10, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, đến 9h30 cùng ngày, mực nước lũ tại Hội An là 2,2m (trên báo động 3: 0,11m) và đang có dấu hiệu lên chậm.
Tối ngày 10/10, lũ từ dưới sông Hoài đã tràn lên một số tuyến đường ở trung tâm phố cổ như Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, Lê Lợi, Châu Thượng Văn...Đặc biệt, 2 tuyến đường chạy dọc ven sông là Bạch Đằng và Nguyễn Phúc Chu đang ngập sâu 3m.
Khoảng 20h ngày 10/10, nước lũ bắt đầu băng qua đường Bạch Đằng và xâm lấn lên đường Nguyễn Thái Học. Nước lớn nhanh đến rạng sáng nay và đang tiếp tục lên chậm. Rất may, bà con trong khu phố cổ đã có sự chuẩn bị từ trước nên hàng lưu niệm, đồ đạc đã được kê lên cao nhằm tránh nước lũ ngấm" - chị Lê Thị Oanh - chủ một quầy lưu niệm trên đường Nguyễn Thái Học nói.
Khu vực ngã ba giao nhau giữa đường Bạch Đằng và Lê Lợi ngập sâu hơn 2m nên cách duy nhất để người dân sinh sống trên các tuyến đường này di chuyển ra bên ngoài là bơi thuyền.
Thuyền bè tấp nập đưa rước khách tại khu vực giao nhau giữa đường Lê Lợi và Trần Phú.
Nhằm đảm bảo an toàn trong việc đi lại của người dân và du khách khi lũ đang lên, chính quyền địa phương giăng dây cấm các phương tiện ở một số khu vực nước sâu, chảy xiết.
Trong khi đó, tại địa phương vùng ven của TP Hội An là phường Thanh Hà cũng chìm trong biển nước.
Lãnh đạo phường Thanh Hà cho hay, lũ lớn từ đêm qua đến sáng nay khiến 4 khối phố trên địa bàn phường chìm trong biển nước. Nhiều khu dân cư ngập sâu đến 3m.
Để di chuyển ra bên ngoài mua lương thực, người dân chỉ còn cách dùng thuyền. Tuyến đường ven sông Thu Bồn, dẫn từ phường Thanh Hà vào trung tâm phố cổ Hội An mênh mông nước.
Nhiều địa phương của Quảng Nam ngập sâu, giao thông bị chia cắt
Sáng 11/10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết vẫn còn 1 người bị nước cuốn mất tích và 11 tuyến đường trên địa bản tỉnh bị ngập, chia cắt do mưa lớn.
Cụ thể, tại Huyện Nam Trà My, vào khoảng 16h ngày 9/10, tại khu vực sông nước Na - địa phận giáp ranh xã Trà Cang với xã Trà Nam, đã xảy ra vụ việc bị nước cuốn trôi khi đi qua sông.
2 người bị mất tích, gồm anh Hồ Văn Tiến (Keo), sinh năm 1985, trú tại làng Long Cheng, Thôn 1, xã Trà Cang và chị Hồ Thị Dâu, sinh năm 1994, trú tại làng Tak Leng, Thôn 1, xã Trà Cang.
Đến chiều ngày 10/10, địa phương nhận được thông tin anh Hồ Văn Tiến đã về nhà an toàn, còn chị Hồ Thị Dâu vẫn mất tích. Hiện tại thôn và xã đã huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân, đồng thời báo cáo lãnh đạo huyện, phối hợp chia sẻ thông tin để các đơn vị thi công thủy điện trên địa bàn, thuộc lưu vực sông Nước Na, gồm Thủy điện Trà Linh 2, Trà Linh 3 hỗ trợ tìm kiếm người mất tích.
UBND xã cũng chỉ đạo Ban Nhân dân Thôn 1 thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình người bị nạn; vận động gia đình không bất chấp nguy hiểm, tìm kiếm nạn nhân, có thể gây nguy hiểm cho những người tham gia tìm kiếm.
Tính đến sáng nay, Quảng Nam hiện còn 11 tuyến đường bị ngập, xói lở gây chia cắt gồm: quốc lộ 14B khu vực xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, quốc lộ 14D qua xã Chaval huyện Nam Giang, quốc lộ 14H đoạn qua phường Cẩm Châu, TP.Hội An; xã Duy Sơn huyện Duy Xuyên; xã Quế Trung, huyện Nông Sơn…
Trong 24h qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to.
Do mưa lớn khiến nước sông dâng lên nhanh nên hầu hết các xã trên địa bàn huyện Nông Sơn bị ngập sâu chia cắt với trung tâm huyện. Khu vực đèo Phường Rạnh đi từ Nông Sơn - Duy Xuyên bị sạt lở nhẹ một vài vị trí.
UBND huyện Nông Sơn đã chỉ đạo các xã nghiêm cấm tất cả ghe thuyền đi lại tại các bến đò, hồ chứa để vớt củi và đánh cá. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sinh sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối và vùng có nguy cơ lũ quét, các khu vực có khả năng sạt lở đất để có biện pháp ứng phó kịp thời. Địa phương cũng yêu cầu người dân hạn chế đi lại qua các tuyến đường, khu vực có nguy cơ sạt lở; khu vực trũng thấp nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng.
Theo ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, Công ty CP Thuỷ điện Sông Tranh 3 sẽ tiến hành vận hành duy trì mực nước hồ dưới cao trình mực nước dâng bình thường 71,5m vào lúc 13 giờ 30 chiều 10.10, với lưu lượng điều tiết dự kiến 300-800m3/s.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quế Sơn cho biết, do mưa lớn liên tục, chiều 10/10 một ngọn đồi phía taluy dương bị sạt lở khoảng 50m3 đất đá đổ xuống mặt đường tuyến ĐT611 tại km24+750 thuộc khu vực đèo Le (xã Quế Long, Quế Sơn). Ngành chức năng huyện Quế Sơn đã tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm và báo cáo về Sở GTVT.
Tại huyện Duy Xuyên, nước băng quốc lộ 14H đoạn thị trấn Nam Phước khiến lưu thông qua lại rất khó khăn; một số tuyến đường liên xã cũng bị ngập sâu. Ông Lê Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, bắt đầu từ tối qua 9.10, nước lũ tràn qua tuyến đường độc đạo từ khu vực chợ La Tháp dẫn về thôn Lệ Bắc của xã, cô lập hoàn toàn 265 hộ dân với 1.158 nhân khẩu. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, địa phương bố trí một chiếc thuyền máy vận chuyển người và phương tiện qua lại.
Trong khi đó, tại xã Duy Vinh, nhiều khu dân cư trên địa bàn bị nước lũ chia cắt. Tuyến đường bê tông độc đạo từ thôn Hà Mỹ qua thôn Đông Bình (vượt sông Thu Bồn) đã bị ngập từ 0,5 - 1m. Do vậy, 365 hộ dân với khoảng 1.200 nhân khẩu ở thôn Đông Bình bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Tuyến quốc lộ 14H đi qua khu vực giáp ranh giữa 2 xã Duy Sơn - Duy Trinh có chiều dài khoảng 300m đang bị ngập nước với độ sâu từ 0,5 - 0,7m khiến các loại phương tiện phải ngừng lưu thông.
Mưa cũng gây tình trạng gián đoạn lưu thông trên một số tuyến đường nội thị qua thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc. Nước đã băng qua cầu Ngoại Thương, trên đường Huỳnh Ngọc Huệ gây chia cắt lưu thông. Mưa to cũng khiến nhiều đoạn đường trên quốc lộ 14B qua địa phận các xã Đại Quang, Đại Đồng, Đại Hồng bị ngập, chảy xiết, khiến đất đá, cát sỏi từ trên đồi núi, khu dân cư tràn ra lòng đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Tại xã Đại Lãnh, theo bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã, trên địa bàn có 15 nhà ở sát sông thuộc vùng trũng thấp đã buộc phải di dời khẩn cấp do nước lớn nhanh. Hàng chục nhà dân ở ven sông, vùng xung yếu cũng đã được thông báo di dời khẩn nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng cho nhân dân. Nhiều vị trí xung yếu dễ xảy ra sạt lở núi, địa phương đã thông báo cho lực lượng xung kích tại các thôn và người dân về công tác ứng phó, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn.
Mưa lớn cũng làm ngập sâu một số khu vực ở vùng cao. Tại Bắc Trà My, mưa lớn gây ngập chia cắt lưu thông hầu hết tuyến đường huyết mạch trên địa bàn. Sáng nay, nước lũ băng qua quốc lộ 40B đoạn cầu ngầm Sông Trường (xã Trà Sơn) và Sông Nước Oa (xã Trà Tân) hơn 0,5m. Việc lưu thông qua hai cầu ngầm này để lên huyện Nam Trà My và các xã vùng cao Bắc Trà My hoàn toàn bị cắt đứt. Cũng trên quốc lộ 40B, khu vực qua xã Trà Giác, mưa lớn còn gây sụt đất, tạo ra một hố sâu với đường kính 1m giữa mặt đường.
Nước lũ chia cắt lưu thông đoạn qua cầu ngầm Ông Bình, cầu ngầm ông Hắc (xã Trà Dương) và cầu Sông Ví (xã Trà Đông). Tuyến đường về 2 xã Trà Giáp và Trà Ka cũng bị chia cắt tại điểm cầu suối Gôn, thôn 1 (xã Trà Giáp) do bị ngập sâu gần 1m. Tại xã Trà Giang, cầu ngầm suối Nứa đi thôn 3 (cũ) bị nhấn chìm gần 0,5m khiến nhiều học sinh ở thôn này học tại trường xã trưa nay không thể về nhà được. Tại xã Trà Bui, ông Lê Cường - Chủ tịch UBND xã cho hay, nước lũ chảy xiết đã gây sụt lún mố cầu treo sông Bui phía bờ làng Nước Lía.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Bắc Trà My đã cử lực lượng tại chỗ đặt các biển cảnh báo, kiểm soát người và phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm này.
Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My thông tin, chiều nay 10.10, lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 160 hộ với 500 nhân khẩu thuộc vùng nguy cơ bị ngập, sạt lở núi tại các xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Đốc, Trà Tân, thị trấn Trà My… đến nơi an toàn.
Tại Đông Giang, ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho biết, quốc lộ 14G và tuyến ĐH1.ĐG bị ngập ở nhiều vị trí. Trong đó, ĐH1.ĐG là tuyến đường huyết mạch từ xã Ba đi vào xã Tư đã bị chia cắt.
Trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My có mưa to đến rất to. Mực nước sông suối đang dâng cao.
Tại Tăk Pỏ (xã Trà Mai) - trung tâm hành chính huyện, mưa lớn khiến nước từ các suối nhỏ đổ về tràn qua các tuyến đường. Để tránh lượng nước đổ về lớn gây lũ quét, lũ ống, người dân đã chủ động khơi thông cống rãnh tạo dòng chảy. Nếu tiếp tục mưa lớn, người dân ở các khu dân cư nguy hiểm đã sẵn sàng di dời đến nơi an toàn.
Các điểm sạt lở cũ chưa khắc phục xong nay tiếp tục bị sạt lở với khối lượng đất đá khá lớn. Như tại khu vực Cửa hàng xăng dầu Tăk Pỏ, sạt lở vẫn đang tiếp diễn, đất đá đã tràn sát cửa hàng và ra mặt đường. Tại một số vị trí nước băng qua đường và cầu cống, chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm, không cho người dân qua lại.
Tại Phước Sơn, mưa lớn cũng gây sạt lở đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phước Xuân, giao thông tạm thời chia cắt. Hiện nay, một số xã chủ động sơ tán dân vùng có nguy cơ ngập, sạt lở đất đến nơi an toàn. Trước mùa mưa bão các địa phương cũng có kế hoạch tích trữ gạo, nhu yếu phẩm phòng mưa kéo dài.