Bộ Công Thương mời doanh nghiệp xăng dầu họp khẩn
Kinh tế - Ngày đăng : 17:00, 11/10/2022
Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cuộc họp dự kiến diễn ra sáng mai (12/10). Thành phần dự họp là đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu và các doanh nghiệp. Mục đích cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, ngày 10/10/2022, UBND TP.HCM có văn bản số 3680/UBND-KT gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Công thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Về tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM, tính đến tối ngày 10/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 121/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu, tăng 67 cửa hàng so với hôm qua, chủ yếu ở TP Thủ Đức, các quận Tân Bình, Bình Tân, 12, huyện Bình Chánh, Củ Chi... Người dân phải xếp hàng, chen nhau đi đổ xăng giữa đêm ở TP.HCM.
Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến (hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động).
Bộ Công Thương cho biết đã đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên nỗ lực tìm nguồn hàng để cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn các tỉnh. Đồng thời khẳng định theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.
Liên quan trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cho biết căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao, cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Còn Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.
Về thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu; Giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng.
Về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng, chẳng hạn như A92 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và thống nhất tăng lên 350 đồng. Như vậy, 1 lít xăng A92 hiện nay có chi phí định mức là 1.320 đồng.
“Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
"Chúng tôi luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ, để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân. Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nước ta hiện có 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay doanh nghiệp phân phối cũng có khoảng 500 doanh nghiệp. Vậy nên làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất là một vấn đề đòi hỏi về tăng cường công tác quản lý.