Lưu ý chăm sóc trẻ bị viêm phế quản khi thời tiết chuyển mùa

Y tế - Ngày đăng : 08:00, 13/10/2022

Thời tiết đang bước vào kỳ giao mùa, tác động từ môi trường, đời sống hàng ngày bị ô nhiễm. Hiện nay khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh viêm phế quản ngày càng gia tăng, nhất là ở trẻ nhỏ.

viem-phe-quan.jpg
Ảnh minh họa.

Viêm phế quản thường không quá nguy hiểm, nhưng nếu trẻ mắc bệnh không được theo dõi và xử trí kịp thời, có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.

Bệnh viêm phế quản thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, đây là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc cây phế quản.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng chủ yếu thường gặp là do nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm: Viêm mũi, viêm họng, viêm Amidan… hoặc do các vi khuẩn phế cầu, liên cầu, các virus...

Sau khi trẻ mắc các bệnh trên, nếu không được điều trị hoặc điều trị sai cách, sẽ khiến cho bệnh tiến triển thành viêm phế quản.

Khi nào cần đưa trẻ nhập viện

Câu hỏi nhiều cha mẹ băn khoăn là khi nào trẻ bị viêm phế quản cần phải nhập viện.

Mặc dù viêm phế quản là bệnh thường gặp nhưng cha mẹ không nên chủ quan.

Thường mỗi độ tuổi trẻ có sẽ các biểu hiện như sau cần được nhập viện, cụ thể:

Nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên.

Nếu trẻ từ 2 tháng - 12 tháng tuổi có nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên.

- Nếu trẻ từ 1 tuổi - 5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.

- Nếu trẻ sốt ≥ 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc co giật.

- Nếu trẻ ho nhiều và kéo dài, ngủ li bì, khó đánh thức, bỏ bú.

Hoặc khi trẻ có các biểu hiện nặng lên, sốt không hạ, sốt cao, cánh mũi thở phập phồng, trẻ thở mạnh khiến bụng thóp lại, nhịp thở nhanh… cần đưa trẻ nhập viện ngay. Đây là những dấu hiệu nặng có thể nguy kịch, nguy cơ biến chứng nguy hiểm gây suy hô hấp.

Cần chăm sóc đúng khi trẻ viêm phế quản

Khi trẻ bị viêm phế quản, nếu được điều trị sớm và đúng cách có thể khỏi hoàn toàn. Vì vậy, cần chăm sóc trẻ ngay từ khi bắt đầu có biểu hiện triệu chứng đầu tiên.

Nếu bệnh nhẹ, phương pháp chữa trị chủ yếu là làm long đờm, ăn uống đầy đủ. Trẻ còn bú mẹ giai đoạn này nên tăng cường bữa trẻ bú mẹ, nếu trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, nên cho trẻ ăn nhiều bữa hơn. Nếu được chăm sóc tốt, nhiều trẻ sẽ tự khỏi sau đó vài ba ngày.

Hãy giữ ấm cơ thể trẻ, tránh để trẻ bị lạnh khiến bệnh lý diễn tiến nặng hơn. Trẻ cần uống nhiều nước, có thể bổ sung nước trái cây, nếu trẻ bị sốt < 38,5°C cha mẹ cần chườm ấm cho trẻ để hạ sốt nhanh hơn.

Nếu trẻ sốt cao > 38,5°C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ. Cha mẹ lưu ý chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cần vệ sinh tai - mũi - họng của trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% hoặc bằng nước ấm.

Về chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bởi lúc này cơ thể trẻ yếu, suy kiệt, dễ mất nước, cần bổ sung dưỡng chất phù hợp để trẻ mau hồi phục.

Những việc nên làm khi trẻ viêm phế quản

Cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như ngũ cốc, thịt, cá, sữa bò, trứng gà, đậu phụ, sữa chua, chất béo lành mạnh.

Các loại rau xanh và hoa quả tươi chứa nhiều khoáng chất và các loại Vitamin A, C, E cần được tăng cường, cụ thể như cà rốt, rau cải xanh, bí ngô, dâu tây…

Cần cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, mềm và dễ nuốt, gồm canh, cháo, súp, cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây, rau củ.

Những việc nên tránh khi trẻ viêm phế quản

Khi trẻ bị ốm thường lười ăn, chính vì vậy nhiều mẹ thường cho trẻ ăn những gì trẻ thích. Tuy nhiên, khuyến cáo không nên cho trẻ ăn bánh kẹo ngọt, nước uống có gas. Hạn chế ăn các loại thực phẩm hoặc đồ ăn nhanh có chứa nhiều dầu mỡ như thịt chiên, khoai rán, gà chiên… Không nên ăn đồ quá nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng, khó tiêu hóa như tinh bột nguyên hạt…

Thay vào đó cần cho trẻ ăn cháo, bột nấu nhừ hoặc dạng lỏng, chia thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn không quá nhiều… để dễ tiêu hoá.

Minh Minh