Bình Sơn (Quảng Ngãi) phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:00, 23/03/2022
Cách trung tâm TP.Quảng Ngãi về hướng bắc khoảng 35 km, thắng cảnh Gành Yến nằm bên làng chài thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải. Thắng cảnh này đến giờ vẫn giữ được nét hoang sơ, kỳ vĩ. Tương truyền rằng, sở dĩ có tên gọi là Gành Yến bởi vì trước đây các gành đá có nhiều hốc nhỏ, nơi trú ngụ của các loài chim như yến, én, sáo… Nơi đây có những phiến đá kỳ ảo, thô ráp xếp tầng tầng, lớp lớp lên nhau, thành một vách núi sừng sững trải dài, vươn ra tới biển.
Những rạn san hô cực đẹp như hàng ngàn bông hoa đua nhau khoe sắc ở Gành Yến
Sự hòa hợp của thiên nhiên trời, mây, non nước và những phiến đá đen với hình dáng muôn hình vạn trạng tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Theo những người dân địa phương, có thể những lớp đá đen này là kết quả phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước. Gành Yến thời điểm thủy triều xuống, để lộ ra những rạn san hô cực đẹp như hàng ngàn bông hoa đua nhau khoe sắc. Khi du khách đến với Gành Yến mùa biển cạn mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của tự nhiên. Khung cảnh này sẽ xuất hiện liên tiếp 2-3 lần mỗi tháng khi thủy triều rút, rơi vào các ngày đầu và giữa tháng, từ tháng 4 đến tháng 7 Âm lịch.
Ông Bùi Quang Thư, người dân thôn Thanh Thủy cho biết: ‘Người dân làng chài chúng tôi bao đời mưu sinh gắn bó ở đây, khung cảnh yên bình của một vùng trời biển bao la với những con thuyền bồng bềnh trên sóng nước. Mỗi sớm mai thức dậy được nghe tiếng sóng vỗ rì rào, cảm nhận hương vị mặn mòi của biển cả là niềm hạnh phúc”.
Trước giờ nông dân ở đây chỉ biết mưu sinh bằng nghề biển, nhưng từ khi địa phương cũng hướng đến phát triển du lịch cộng đồng thì người dân đã có những suy nghĩ mới hơn về phát huy tiềm năng và lợi ích kinh tế, ông Thư chia sẻ.
Cánh rừng ngập mặn bàu Cá Cái các loài chim, cò về đây cư trú, sinh sản rất nhiều
Nhìn từ trên cao, rừng ngập mặn bàu Cá Cái thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận như một tấm thảm xanh lơ lửng giữa vòm trời. Với diện tích khoảng 110 ha, dưới tán rừng ngập mặn có nhiều loài động vật cá, tôm, cua… Vẻ đẹp thơ mộng, đậm màu thiên nhiên của bàu Cá Cái khiến nhiều người ngỡ ngàng. Chị Thủy Tiên, một du khách đến từ TP.Quảng Ngãi bộc bạch: “Đến bàu Cá Cái tôi như lạc vào chốn thần tiên. Ngồi trên thuyền thưởng ngoạn vẻ đẹp vùng sông nước, ở nơi đây tôi có thể soi được bóng mình dưới nước, thỉnh thoảng nhìn thấy đàn cá bơi lội…”.
Cách đây 5 năm, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” được triển khai thực hiện tại đây. Dự án này đã biến bàu Cá Cái thành khu rừng ngập mặn xanh mướt. Ông Nguyễn Hải (xã Bình Thuận) cho biết, bàu Cá Cái trước đây rất hoang vu, cây cỏ mọc thưa thớt. Từ khi cây cóc trắng được mang về trồng ngay hàng, thẳng lối đã tạo nên cho khu vực này vẻ đẹp khác lạ. Kể từ đó, cái tên bàu Cá Cái được nhiều người biết đến. “Cây cóc phát triển tốt, khu vực này cũng được chung tay bảo vệ nên tôm cá sinh sôi rất nhanh. Nhờ khu rừng ngập mặn này mà người dân có thêm thu nhập từ khai thác tôm cá, du lịch”, ông Hải nói.
Rừng ngập mặn còn có tác dụng che chắn gió bão, cải thiện hệ sinh thái ven biển. Kể từ đó các loài chim, cò về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Vào mùa thu, rừng ngập mặn bàu Cá Cái mang vẻ đẹp khác lạ khi cây rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng.
Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng sẵn có, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trong tương lai cần có sự đầu tư bài bản hơn để có thể khai thác hết các tiềm năng sẵn có của địa phương như homestay đón khách, các dịch vụ ăn, nghỉ… trải nghiệm. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh địa phương.
Anh Nguyễn Hồng Dên – Giám đốc Công ty CNTT ở Quảng Ngãi nêu quan điểm về đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch
Anh Nguyễn Hồng Dên – Giám đốc Công ty CNTT ở Quảng Ngãi, một người con của quê hương Bình Sơn trăn trở: “Công tác truyền thông, quảng bá du lịch ở địa phương lâu nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Để khai thác sức mạnh của truyền thông trong công tác xúc tiến, quảng bá hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng bền vững cần sử dụng có hiệu quả các công cụ truyền thông để truyền tải thông tin đến du khách như báo, tạp chí, truyền hình; Đẩy mạnh thông tin trên các công cụ tìm kiếm Google, YouTube, bản đồ Google; Vận dụng chiến dịch quảng cáo qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) và các công nghệ số hiện đại nhằm nhanh chóng lan truyền và cập nhật thông tin để có thể truyền tải thông tin du lịch đến đông đảo du khách và người dùng được thuận tiện nhất”.
Mới đây, dự án thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng ở Bình Sơn theo hướng hài hòa sinh thái xã hội với công nghiệp hóa và đô thị hóa gắn trao quyền cho cộng đồng trong quản lý bảo vệ san hô, bảo tồn văn hóa tri thức truyền thống và phát triển sinh kế vùng đệm khu công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đã đi khảo sát và tham vấn ý kiến ở địa phương. Mục tiêu của dự án là cộng đồng tham gia quy hoạch không gian biển và ven bờ góp phần hài hòa và gắn kết bảo tồn đa dạng sinh học, sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội. Bốn sản phẩm du lịch cộng đồng tại các điểm đến Gành Yến (Bình Hải); rừng Cóc trắng Bàu Cá Cái (Bình Thuận), rừng Dừa nước (Bình Phước), Gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ) được xây dựng (OCOP), bước đầu hình thành được mạng lưới du lịch học tập tại cộng đồng Bình Sơn – Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Quang cảnh hội thảo tham vấn lấy ý kiến về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
Ông Ngô Văn Dụng – PCT UBND huyện Bình Sơn bày tỏ: “Việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, dựa trên lợi thế sẵn có của huyện Bình Sơn là hết sức cần thiết. Việc này sẽ góp phần cho bảo tồn môi trường sinh thái, thu hút khách phương xa và giải quyết việc làm có thêm thu nhập cho người dân địa phương. Vì vậy rất mong sự quan tâm, đồng thuận, phối hợp tốt của các cơ quan chức năng trong sự hài hoà giữa phát triển công nghiệp, đô thị, môi trường sinh thái và giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân”.
Như Đồng