Đà Nẵng và Quảng Nam cho học sinh nghỉ học tránh mưa lũ
Giáo dục - Ngày đăng : 20:14, 14/10/2022
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các Trường thông báo cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 15/10/2022 và chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học các ngày tiếp theo tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ. Rà soát điều kiện đảm bảo an toàn và điều kiện sinh hoạt cho học sinh tại các trường nội trú.
Chỉ đạo Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh và các địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc đảm bảo an toàn trong phòng, chống bão; bố trí lực lượng sản xuất, kinh doanh phù hợp và tạo điều kiện cho công nhân, người lao động nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ được nghỉ làm việc ngày 15/10/2022 nhằm đảm bảo an toàn.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế của bão số 5, mưa lũ trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công điện: số 05/CĐ-UBND ngày 12/10/2022 về chủ động ứng phó vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; số 06/CĐ-UBND ngày 14/10/2022 về tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Rà soát, khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Thường xuyên báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trưa 14/10, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 5 (có tên quốc tế là SONCA). Lúc 13 giờ ngày 14/10/2022, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h; khả năng ảnh hưởng đến các địa phương trên địa bàn tỉnh từ đêm nay (14/10).
Theo cảnh báo của UBND tỉnh Quảng Nam, trong những giờ tới, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, các xã miền núi huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Núi Thành và Phú Ninh.
Trước diễn biến của mưa lũ, cùng ngày Công ty Thuỷ điện Sông Tranh cũng đã phát đi thông báo vận hành hồ chứa Thuỷ điện Sông Tranh 2. Theo đó, đơn vị này sẽ vận hành tăng lưu lượng điều tiết để duy trì mực nước hồ + 165m và chuyển chế độ vận hành cắt, giảm luc cho hạ du. Lưu lượng điều tiết dự kiến từ 250 ÷ 2.500 m3/s (tuỳ thuộc lưu lượng nước về hồ).
Trước đó, trên tuyến đường ĐH5 đi qua địa phận xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn với hơn 1km chiều dài đường do mưa lớn đã bị sạt lở và đất đồi núi sạt lở dổ xuống khiến giao thông bị chia cắt nhiều ngày qua. Đặc biệt, sạt lở đã gây cô lập thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm). Hiện chính quyền địa phương, ngành chức năng và lực lượng vũ trang huyện đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau thiên tai, đảm bảo lưu thông trở lại cho Nhân dân.
Theo chính quyền xã Quế Lâm, đoạn đường bị sạt lở nặng nhất đi qua thôn Tứ Nhũ có tổng chiều dài 1km với khối lượng đất đá cả nghìn mét khối. Có đoạn, những tảng đá lớn có đường kính 2-3m rơi xuống kèm theo lượng đất núi đổ vùi chắn ngang đường khiến giao thông bị tê liệt khu vực này. Sạt lở đồi núi đã gây ách tắc giao thông trên tuyến độc đạo dẫn đến thôn Tứ Nhũ, cô lập 170 hộ dân gồm 350 nhân khẩu.
Tình trạng sạt lở trên đã xuất hiện từ tối 11/10 tới nay. Song do ảnh hưởng của mưa lớn và ngập lụt tại nhiều nơi, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn dù chính quyền và ngành chức năng của huyện và xã đã tăng cường huy động các lực lượng, phương tiện máy móc khắc phục các điểm sạt lở. Nhiều ngày qua, người dân không thể lưu thông qua lại bằng xe máy nhưng vẫn có thể đi bộ qua lại được.
Ngoài tuyến ĐH5 bị sạt lở, đợt mưa lớn và lũ lụt xảy ra vào 10 và 11/10 cũng đã khiến nhiều khu vực khác của xã Quế Lâm bị sạt lở nặng như tại Gành Dinh với khối lượng đất đá 10m3; sạt lở tại tuyến đường cầu treo đi Tứ Nhũ với khối lượng 200m3 đất đá. Địa phương đã huy động 3 xe múc, Ban Chỉ huy quân sự huyện điều động 20 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân cùng tham gia khắc phục hậu quả sạt lở tại tuyến ĐH5 qua xã Quế Lâm, khoảng 2-3 ngày nữa mới xong khối lượng công việc. Chính quyền địa phương đang chỉ đạo khẩn trương xử lý các phần việc để sớm thông tuyến, đảm bảo nhu cầu đi lại cho bà con.
Hiện tại gười dân có thể đi bộ qua lại hoặc có thể lưu thông bằng thuyền máy, ca nô khi cần thiết. Thôn Tứ Nhũ cũng đã triển khai phương châm "4 tại chỗ" nên nhìn chung, đời sống của bà con hiện tại vẫn đảm bảo, chỉ khó khăn về mặt lưu thông.
Thượng tá Trần Hữu Ích, phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nông Sơn thành lập tổ công tác gồm lực lượng thường trực và dân quân xã ứng trực tại bến đò thôn Thạch Bích và trưng dụng 1 tàu công suất lớn của xã để kịp thời ứng cứu, giúp đỡ người dân khi có tình huống xảy ra như: cấp cứu những trường hợp ốm đau, người già, phụ nữ, trẻ em, sẵn sàng cung cấp lương thực, thực phẩm khi người dân có yêu cầu.
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu trong ngày 15/10, các cơ sở giáo dục mầm non không nhận giữ trẻ, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học.
Các trường, trung tâm ở địa bàn thấp trũng, dễ bị ngập lụt thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa, lũ trong những ngày đến để kịp thời thông tin cho giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên và phụ huynh học sinh. Báo cáo Sở GDĐT, UBND các quận, huyện (qua phòng GDĐT), chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế.
Các trường đại học tư thục theo dõi tình hình bão, mưa lớn để chủ động cho sinh viên nghỉ học.
Phân công các bộ phận có liên quan trực 24/24 giờ; thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn gây lũ, lụt. Khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Sở GDĐT để được hướng dẫn xử lý.