Long An: Phân loại rác tại nguồn thu được nhiều kết quả tích cực

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:30, 20/03/2022

Moitruong.net.vn – Việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) không chỉ giúp giảm lượng rác thải, tiết kiệm được công sức, chi phí trong quá trình xử lý chất thải còn nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An triển khai thí điểm mô hình PLRTN tại TP.Tân An, huyện Cần Giuộc, Đức Hòa…

Phân loại rác tại nguồn tại khu phố Bình Đông 2, phường 3, TP.Tân An.

Ông Võ Hồng Thảo – Phó Chủ tịch UBND TP. Tân An, cho biết, qua thời gian triển khai mô hình, việc phân loại rác trên địa bàn đem lại những hiệu quả tích cực, thiết thực đối với công tác BVMT. Người dân hình thành thói quen PLRTN, tạo thuận lợi trong quá trình xử lý, giảm được lượng rác thải.

Kinh phí xử lý rác cũng giảm, bài toán về kinh tế đạt hiệu quả. Khối lượng rác trên địa bàn phường 3 được thu gom khoảng 400.000 tấn/tháng, thực hiện phân loại rác hữu cơ khoảng trên 90 tấn/tháng (kết quả phân loại đạt trên 85%). Những kết quả này là cơ sở để TP.Tân An triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Phòng TN&MT huyện Đức Hòa, thu gom, xử lý rác trên địa bàn luôn được thực hiện nghiêm túc. Huyện vận động người dân đổ rác đúng giờ, trồng cây xanh tạo không khí trong lành.

Huyện đã phối hợp các hội, đoàn thể tuyên truyền để người dân biết cách PLRTN. Bước đầu, ghi nhận tại địa phương, một số hộ dân đã thực hiện, góp phần giảm lượng rác thải, giảm được chi phí và nâng cao hiệu quả BVMT.

Còn tại huyện Cần Giuộc, việc PLRTN bước đầu được huyện triển khai, khuyến khích người dân thực hiện. Thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, người dân thay đổi dần thói quen và biết cách phân loại rác.

Phân loại rác tại nguồn có hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường

Theo chia sẻ của người dân xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, ngoài việc có đơn vị chuyên thu gom, xử lý rác, địa phương còn thực hiện nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải như hướng dẫn xây lò đốt rác tại gia đình, hố thu gom,… Bên cạnh đó, người dân còn được cán bộ chuyên môn của xã, của huyện hướng dẫn cách PLRTN để xử lý.

“Rác thải có thể tái chế, chúng tôi giữ lại để bán ve chai. Từ đó, lượng rác của gia đình được giảm hẳn, khu vực gia đình sinh sống không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, môi trường ngày càng trong lành, đáng sống hơn”, một người dân xã Phước Hậu chia sẻ.

Thanh Hương

Thanh Hương