Nâng cao hiệu quả trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:55, 09/03/2022

Moitruong.net.vn – Chiều ngày 09/3, Tọa đàm trực tuyến “Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị” được tổ chức nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến và đề xuất kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam trong thời gian qua.

VIDEO: Nâng cao hiệu quả trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

Năm 2021, Quốc hội đã ban hành 02 Nghị quyết gồm Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.

Tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến

Tọa đàm trực tuyến “Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị các giải pháp tổng thể theo hướng thống nhất, nhằm mục tiêu quản lý chất thải rắn sinh hoạt tốt hơn, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm

Tham gia Tọa đàm có:

– Ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

– Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam

– Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An

– Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

– Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

– Ông Trần Hợp Dũng, Phó trưởng ban Đô thị, HĐND TP.Hà Nội

– Ông Nguyễn Anh Dũng, Cán bộ cao cấp, Hợp phần năng lượng tái tạo, Dự án 4E, Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam

Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Trao đổi về thực trạng thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: “Phương thức xử lý rác thải từ khâu phát sinh đến khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trong thực tế còn tồn tại nhiều bất cập. Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hoá diễn ra rất nhanh, khiến cho tỷ lệ lượng rác thải tăng nhanh, tăng 10-16%/ năm, trong khi điều kiện hạ tầng chưa theo kịp. Hiện nay có trên 70% được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Yêu cầu của bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 261:2001 của Bộ Xây dựng trước đây quy định rất kỹ từ thiết kế vật liệu kỹ thuật, dẫn nước, thu khí, thu nước rỉ rác… Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với công nghệ chôn lấp khi chúng ta không thu gom được khí mê-tan, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khí nhà kính. Do vậy, công nghệ là vấn đề lớn hiện nay.”

Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam

Phát biểu tại Tọa đàm, Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Đặc thù rác thải sinh hoạt ở nước ta là không phân loại, độ ẩm rác rất cao, thường ở mức 65-70%. Đây là nguyên nhân gây ra nhiệt trị rất thấp khi đốt rác. Vì những đặc điểm này, chúng ta phải tìm những công nghệ phù hợp để xử lý, không phải chỉ vì nhiệt trị thấp mà không đốt rác phát điện. Theo quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta phải tìm được công nghệ xử lý rác mà không cần phân loại tại nguồn. Vì để phân loại tại nguồn như các nước phát triển thì phải tương ứng với hạ tầng, chúng ta đã thực hiện thí điểm phân loại tại nguồn nhưng khi thu gom lại trộn lẫn với nhau nên không có hiệu quả.

Hiện nay, không phân loại nên lượng chất vô cơ trong rác như plastic, nhựa, lốp xe…khá nhiều. Nếu chỉ đốt rác bằng công nghệ thông thường thì lượng khí thải độc hại sẽ rất lớn. Nếu công nghệ áp dụng không được thẩm định kỹ, không xử lý được lượng khí thải độc hại sinh ra thì sẽ rất nguy hiểm. Đây chính là khó khăn cho các địa phương khi lựa chọn công nghệ. Đồng thời, các bãi rác hiện nay nếu không thể hoàn nguyên thì sẽ không thể nào đạt được mục tiêu giảm phát thải nhà kính.”

Ông Nguyễn Văn An – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Trao đổi về công tác hoạch định chính sách liên quan đến vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn An – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Rác thải luôn là vấn đề nóng, bức xúc ở nhiều địa phương nước ta. Trên thực tế, câu chuyện tỷ lệ chôn lấp rác thải đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân, đến định hướng phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xử lý chất thải rắn đô thị.  Hiện nhiều địa phương đã đầu tư, ban hành nhiều chính sách để xây dựng những dự án phân loại rác từ đầu nguồn sinh hoạt. Tuy nhiên, phần lớn chương trình mới dừng lại ở mức độ thí điểm hẹp khiến công tác phân loại này vẫn chưa có lời giải rốt ráo, việc chôn lấp vẫn là phương án “chẳng đặng đừng”.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, bảo vệ môi trường luôn là yêu cầu xuyên suốt và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch bảo vệ môi trường. Như Chỉ thị 41/CT-Ttg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạo chuyển biến căn bản trong xử lý rác thải rắn, trong đó chú trọng việc phân loại rác thải nguồn.”

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An tham gia Tọa đàm theo hình thức trực tuyến

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%; Tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn 95%; 100% các huyện phải lập bộ và tổ chức thu đúng, thu đủ số tiền phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn huyện quản lý. Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: “Thu gom, xử lý rác sinh hoạt là vấn đề rất khó khăn trong suốt thời gian qua, là tình hình chung của cả nước và Long An cũng nằm trong tình trạng này. Tuy nhiên, với quyết tâm phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, nên tỉnh rất quan tâm và đưa chỉ tiêu thu gom, xử lý rác vào nhóm chỉ tiêu thực hiện trong Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%, cao hơn chỉ tiêu chung cả nước – là 90% theo Nghị quyết số 16 của Quốc hội, với khu vực nông thôn là 95%. Để thực hiện được mục tiêu trên là rất khó. Nhưng với sự quyết tâm, lãnh đạo tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, từ chỉ thị, kế hoạch phân công cụ thể cho từng ngành, từng cấp, các địa phương trong tỉnh phải triển khai thực hiện.

Về phân loại rác tại nguồn, trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã chủ động khá sớm và được hỗ trợ của tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam trong việc thí điểm phân loại tại nguồn tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh. Chương trình về cơ bản cũng đã tổng kết thành công và nhận được sự đồng tình của người dân. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương còn lại để đồng loạt thực hiện phân loại rác tại nguồn. Như vậy, việc triển khai khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, đối với quy định phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi.

Về định hướng xử lý rác còn lại sau khi rác được phân loại, tái chế, sản xuất phân compost, sẽ xử lý bằng công nghệ đốt. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể như bố trí, xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải, xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung cho từng huyện, từng địa điểm xử lý theo từng giai đoạn cụ thể. Đây là quyết tâm của tỉnh trong chỉ đạo. Ngoài ra, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhà máy xử lý rác xử lý công nghệ có phục hồi năng lượng, không đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay tỉnh và các địa phương băn khoăn liên quan đến các công nghệ xử lý rác.”

Các đại biểu tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến trong tọa đàm

Đề xuất giải pháp để các bộ, ngành, địa phương để có thể hoàn thành các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, ông Nguyễn Văn An – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, xử lý chất thải rắn đô thị nói riêng, theo tôi vướng mắc lớn nhất vẫn ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi nhìn chung hệ thống chính sách pháp luật đã tương đối đồng bộ, có thể giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi, khoa học. Các văn bản, quy định quản lý chất thải rắn phân công công việc rõ nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành.

Đơn cử, ngay tại địa phương việc tổ chức thực hiện cũng chưa sự đồng nhất. Ví dụ có nơi giao Sở Xây dựng, có nơi Sở Tài nguyên và Môi trường, có nơi lại giao cho một doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực môi trường chủ trì. Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể ở cấp huyện lại là phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, dẫn đến chưa có sự chỉ đạo xuyên suốt theo một ngành, một lĩnh vực.

Hiện nay, việc quy hoạch địa điểm xây dựng công trình tại địa phương đang khá lúng túng, nhất là lựa chọn địa điểm chôn lấp hoặc lựa chọn công nghệ xử lý ban đầu số chất thải này. Ngay cả việc trung chuyển rác thải cũng gặp nhiều khó khăn về thiết bị trung chuyển, công tác tổ chức điều hành chưa được khoa học, nhất là phân loại rác thải ban đầu. Ngoài ra, công tác rút kinh nghiệm, sơ kết để có cái nhìn tổng thể cũng chưa được nhiều địa phương tổ chức nghiêm túc, dẫn đến lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện.”

Ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: “Hàng năm, Bộ TN-MT đều có văn bản đôn đốc địa phương triển khai thực hiện các nội dung này. Để đạt được mục tiêu, hiện các địa phương đều đang triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh. Bộ TN-MT đang triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, dự kiến tháng 6 trình Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt. Một trong những nội dung chính của quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia liên quan đến quy hoạch định hướng các khu chất thải rắn, chất thải sinh hoạt chung trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ hội để các địa phương trên thực trạng vừa qua có thể rà soát, đánh giá tổng để đưa ra quy hoạch phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là khâu dự báo trong thời gian tới, vấn đề dự báo phát sinh, dự báo công nghệ…

Tôi cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phải làm càng đơn giản, dễ hiểu. Có những clip, video đưa lên các chương trình tivi… Bên cạnh đó, Nhà nước phải có sự đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết kế điểm lưu giữ thu gom phù hợp. Trong Luật quy định rõ chất thải tái chế được thì hoàn toàn không phải trả tiền, chúng ta có thể bán được, tận dụng nguyên liệu rất tốt. Còn đối với chất thải buộc phải xử lý thì phải trả tiền, trên cơ sở khối lượng và thể tích. Như vậy, không phân loại rác cũng được nhưng sẽ phải trả nhiều tiền, khi rác thải phát sinh nhiều hơn thì trả nhiều tiền hơn. Trong Luật đã quy định có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng giám sát lẫn nhau, từ mặt trận, từ phường xã tham gia giám sát. Ví dụ như việc phân loại rác không đúng, lần thứ nhất, lần thứ hai có thể nhắc nhở, nhưng lần thứ ba phải xử lý.”

Ông Trần Hợp Dũng, Phó trưởng ban Đô thị, HĐND TP.Hà Nội

Trao đổi tại tọa đàm, ông Trần Hợp Dũng, Phó trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội cho biết: “Chất lượng công nghệ xử lý rác thải phải phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Chúng ta phải nhìn nhận thẳng rằng, vấn đề là hiện nay nếu mà có chính sách hay và có sự hỗ trợ nhiều của Nhà nước, nhưng không có sự đồng thuận của người dân hoặc là tập quán sinh hoạt của người dân không phù hợp thì hiệu quả của khoản đầu tư đó cũng sẽ rất thấp.

Hiện nay, tại 30 quận, huyện của Hà Nội thì chỉ có một số quận, huyện làm rất tốt vấn đề thu gom, phân loại rác. Rõ ràng là việc xử lý và phân loại tốt sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nhìn nhận vấn đề này một cách “quá là màu xám”. Tôi nghĩ rằng, vấn đề môi trường cũng có rất nhiều mảng sáng, đặc biệt là trong vấn đề phân loại rác.

Trước đây, Hà Nội cũng đã thực hiện phân loại rác 4R. Sau này, tại các khu chung cư đền có khu vực phân loại rác hữu cơ và vô cơ riêng. Tuy nhiên, việc phân loại rác vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Những đó là tiền để ban đầu để chúng ta nhìn nhận thấy rằng, việc mà tổ chức lựa chọn công nghệ phải được thực hiện một cách tổng thể. Cá nhân tôi không lựa chọn làm một công nghệ nào cả, mà chúng ta có thể lựa chọn ba, bốn loại công nghệ khác nhau để mang lại hiệu quả cao hơn trong vấn đề xử lý rác.

Tôi cho rằng, việc lựa chọn công nghệ phải đặt trong các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hạn. Tức là hiện nay chúng ta chưa phân loại tốt, do đó vẫn buộc chúng ta vẫn buộc phải chấp nhận…

Hà Nội hiện giờ có hai bãi xử lý rác lớn. Hiện nay cả hai bãi này đều phải dùng đến các ô khẩn cấp. Nếu vẫn không kịp đưa các nhà máy xử lý rác thải vào vận hành mà cứ đòi hỏi công nghệ gì đó thì chắc chắn là vấn đề về môi trường sẽ rất nghiêm trọng.

Ở những năm tiếp theo, ở mục tiêu trung hạn thì chắc chắn là sẽ có những công nghệ mới ra đời. Đặc biệt, hiện nay chính quyền Hà Nội đã tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ các chính sách đầy đủ để các nhà đầu tư vào cuộc. Thế nhưng bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận việc vào cuộc của các chính quyền cơ sở là hết sức quan trọng. Trước tiên là phải tăng cường tuyên truyền cho người dân, phát động phong trào cùng các chi Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Ví dụ như huyện Gia Lâm, quận Cầu Giấy… đã làm rất tốt vấn đề này. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cũng cần thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm tra hành vi vi phạm trong vấn đề về môi trường.

Việc vào cuộc của chính quyền địa phương và sự đồng hành cùng với các dây chuyền công nghệ sẽ mang lại hiệu quả cao trong vấn đề môi trường. Ngoài ra, chúng ta cũng phải có những chính sách khuyến khích đầu tư, thậm chí là mạnh dạn đề xuất các hướng giải quyết, xử lý sai phạm mạnh tay hơn. Mặt khác, đối với các đơn vị làm tốt, có hiệu quả thì cũng phải có những cơ chế hỗ trợ thêm.

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng làm rõ một số những giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ đó phấn đấu đạt các mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách về vấn đề thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua.

Thế Đoàn

Thế Đoàn