Đà Nẵng dồn lực khắc phục các điểm sạt lở, hạ tầng giao thông sau trận mưa lũ lịch sử

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 20:00, 23/10/2022

Đà Nẵng đã huy động các lực lượng đẩy nhanh việc khắc phục các điểm sạt lở, đứt gãy mặt đường sau trận mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng của bão số 5.

Đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều tuyến đường của thành phố Đà Nẵng bị sạt, lở hư hỏng nặng, nhiều tuyến đường bị đất, đá tràn xuống đường gây ách tắc giao thông. Liên tục trong các ngày qua, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nỗ lực vào cuộc khắc phục hậu quả nhằm giúp người dân đi lại thuận lợi.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT)Đà Nẵng, các vị trí sạt lở nặng, gây tắc đường là: đường Hoàng Sa, kênh thoát nước nút giao đường Trần Nguyên Hãn; khu vực núi Sơn Trà (sạt lở 19 điểm taluy dương, 6 điểm taluy âm làm tắc đường với tổng khối lượng khoảng 27.780m3), nặng nhất khu vực gần Khu nghỉ dưỡng Intercontinenal. Bên cạnh đó, đường lên Trạm phát sóng đài DRT trên bán đảo Sơn Trà sạt lở taluy, rãnh dọc nhiều vị trí, đất đá, cây đổ ra đường, tắc đường với tổng cộng 17 điểm sạt lở taluy dương, taluy âm với tổng khối lượng khoảng 18.000m3

diem-sat-lo.jpg
Đường lên Bán đảo Sơn Trà bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng

Khu vực phía nam thành phố có tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn gần đường Khái Tây 1) sạt lở cống trên vỉa hè ăn sâu vào mặt đường. Ngoài ra, đường Nguyễn Xí bị sạt lở hoàn toàn mặt đường cầu kênh thoát nước; vỉa hè. Các khu vực khác hạ tầng giao thông cũng bị hư hỏng nặng một phần mặt đường ĐT602 và các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hồ Xuân Hương, Phùng Hưng, Mai Đăng Chơn, ĐH2... với tổng khối lượng sạt lở khoảng 1.195m3.

Sạt lở taluy mái kênh, lề bộ hành một số cầu kênh đường Lý Thái Tông, Nguyễn Tất Thành, Trần Đình Tri, Mân Quang, cầu An Lợi... Đường ĐT 601 sạt lở taluy dương, ta luy âm, hư hỏng rãnh dọc 28 vị trí; đất chài trên mặt đường các tuyến đường Lê Văn Lương, Âu Cơ, Đà Sơn, Lê Đình Kỵ, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái,... với tổng khối lượng 7.200m3. Đặc biệt, sạt lở gây tắc đường trên đèo Hải Vân, hầm đường bộ Hải Vân, quốc lộ 14G...

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa, để nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở, ngành giao thông huy động 100% quân số cũng như trang thiết bị hiện có, ra quân tập trung xử lý, bảo đảm giao thông bước 1. Đến nay, cơ bản các tuyến đường sạt lở đã lưu thông bình thường. Ông Trần Từ Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, trong mấy ngày qua, lực lượng chức năng đã huy động hàng chục thiết bị cơ giới, nhân công di chuyển đất chài, vật cản trên các tuyến đường vào phạm vi lề đường, vỉa hè.

Trước mắt, ưu tiên thông xe đường Hoàng Sa, đường ra khu vực bán đảo Sơn Trà từ Lê Văn Lương đến Khu nghỉ dưỡng Intercontinental. Cùng với đó, tại các điểm sạt lở trên đường ĐT602, Nguyễn Tất Thành, Hồ Xuân Hương, Phùng Hưng, Mai Đăng Chơn, ĐH2, Lê Văn Lương, Âu Cơ, Đà Sơn, Lê Đình Kỵ, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái..., lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã nỗ lực thông đường... Công nhân Phạm Tư, hiện đang khắc phục điểm sạt lở đường ra bán đảo Sơn Trà cho biết, mấy ngày qua, đội của anh bám sát hiện trường, tích cực dọn dẹp đất đá tràn ra mặt đường, đến nay đường lên Khu nghỉ dưỡng Intercontinental đã thông...

Ông Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, hiện nay, giao thông lên bán đảo Sơn Trà được phân luồng qua đường Lê Văn Lương. Riêng vị trí đứt gãy ở 2 đầu cầu kênh, đang thi công nối lại mặt đường, bảo đảm giao thông bước 1, sau đó sẽ xây kè kiên cố ở thượng và hạ lưu cầu kênh. Tuy nhiên, việc khắc phục hư hỏng tại vị trí này sẽ mất khá nhiều thời gian do hư hỏng nghiêm trọng.

Cụ thể, tuyến đường dẫn lên bán đảo Sơn Trà dài 13km có 21 điểm sạt lở, với 19 điểm sạt taluy dương, 2 điểm sạt taluy âm. Đất đá tràn lấp mặt đường với khối lượng khoảng 16.000m3. Về lâu dài, Sở GTVT thuê đơn vị tư vấn tìm phương án xử lý tình trạng sạt lở đường lên bán đảo Sơn Trà, có thể là phun bê-tông hoặc trồng các loại cây có khả năng giữ đất, đá tốt.

Được biết, bên cạnh việc tích cực vào cuộc khắc phục, thông tuyến đường bị sạt lở, các đơn vị quản lý, bảo trì của ngành giao thông cũng đang sắp xếp, lắp dựng lại hệ thống biển báo, dải phân cách bị ngã đổ, tiếp tục tìm kiếm, trục vớt các phao đường thủy nội địa..., đồng thời kiểm tra, cho hoạt động lại hệ thống camera giao thông, đèn tín hiệu giao thông tại các nút tín hiệu bị ảnh hưởng do ngập lụt. Ngoài ra, hiện nay mực nước tại các kênh, cống thoát nước vẫn còn dâng cao, đơn vị quản lý tiếp tục rào chắn, phân luồng, theo dõi, triển khai phương án bảo đảm giao thông tại các vị trí cầu kênh bị sạt lở.

Vũ Thành