Quốc hội thảo luận về luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Y tế - Ngày đăng : 17:30, 24/10/2022

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ngày 24/10 Quốc hội dành toàn bộ thời gian thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
quoc-hoi-ky-hop-so-4.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về quy định cấp giấy phép hành nghề trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đối chiếu với mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế và có nền y học khoa học, dân tộc và hiện đại, Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị dự thảo luật cần cụ thể hóa một số vấn đề như: Các quy định về cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hóa, giá dịch vụ, phân cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề, khám, chữa bệnh từ xa, dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh…

Đại biểu Tạ Văn Hạ lấy ví dụ quy định về phân cấp, trước đây tiến hành phân cấp theo tuyến nhưng dự thảo luật phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Đại biểu đồng tình với việc phân cấp này và khẳng định đây là nội dung mới trong dự thảo luật, nhưng nhiều nội dung chưa quy định chưa rõ. Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện như thế nào, từ cái cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu?; mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân? Chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?

ta-van-ha.jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề. Trước đây quy định cấp một lần nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch; cần làm rõ mô hình của Hội đồng y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào… Tương tự, đối với vấn đề xã hội hóa chỉ quy định “được ưu tiên theo quy định của pháp luật” nhưng không quy định cụ thể được ưu tiên vấn đề nào.

Tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định các nội dung liên quan đến giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, Hội đồng y khoa, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và hợp tác công tư trong khám chữa bệnh.

Tranh luận với đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm sẽ gây tốn kém, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề nếu như hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Theo đại biểu đây là thông lệ của thế giới và nên ủng hộ, tuy nhiên cần tổ chức thực hiện cho đúng.

Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về Hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đại biểu, trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.

nguyen-lan-hieu.jpg
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Về hợp tác công tư, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng các hình thức cho vay, cho thuê, mua trả chậm, tài trợ liên kết với tổ chức nước ngoài… đã được ban soạn thảo tiếp thu rõ ràng, tuy nhiên cần quy định thêm về hợp tác phi lợi nhuận. Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền để xây dựng và các cơ sở công lập sẽ sử dụng tiền lãi tiếp tục tái đầu tư cho phục vụ hoạt động nhân đạo.

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An bày tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Xã hội và tán thành cao với Dự thảo Luật trình tại phiên họp. Theo đại biểu, Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đưa ra những quy định hợp lý hơn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt trong việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh.

Về chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng việc giải trình trong báo cáo chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, trong Dự án Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát Điều 121 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo quy định rõ và đủ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung quy định trong Dự luật tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, đảm bảo tính khả thi của các chính sách.

Mai Anh