Quy định về quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm
Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 18:00, 25/10/2022
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về quản lý và kiểm soát bụi, khí thải cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Bụi có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí.
Điều 89 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, mùi khó chịu cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường và bức xạ. Tổ chức, cá nhân trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, mùi khó chịu phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm tác động xấu đến cộng đồng dân cư.
Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, Nhà nước cũng ban hành những chính sách nhằm quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác bao gồm chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Tại Điều 75 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường có quy định về chính sách này cụ thể như sau: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng (trừ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch), phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế và kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại khoản 2 Điều này xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường với các nội dung chính như sau:
Chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí và phát thải khí nhà kính; Loại bỏ phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải theo quy định; phương tiện giao thông cơ giới cũ, đã sử dụng nhiều năm gây ô nhiễm môi trường.
Hạn chế và tiến tới loại bỏ xe máy hai bánh, ba bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch tham gia giao thông trong nội đô các đô thị lớn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí và bảo vệ sức khỏe nhân dân; Tổ chức phân luồng giao thông tại các đô thị để kiểm soát, hạn chế ô nhiễm môi trường không khí do phương tiện giao thông gây ra.
Cùng với đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm chuyển đổi từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; Phát triển hạ tầng giao thông cho phương tiện giao thông công cộng; có chính sách hỗ trợ người dân khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.