Thời tiết đang chuyển mùa trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm
Y tế - Ngày đăng : 19:00, 28/10/2022
Tại nhiều bệnh viện, số trẻ em đến khám đã tăng nhanh, nhiều gia đình phải cho con nghỉ học vì ốm, sốt.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba) cho hay mấy tuần gần đây số bệnh nhi tới khám và nhập viện gia tăng đột biến. Nếu thông thường một tuần tại khoa ghi nhận khoảng 1.200 bệnh nhi tới khám thì 1-2 tuần nay, mỗi tuần ghi nhận tới gần 2.000 bệnh nhân tới khám.
“Hầu hết trẻ tới khám mắc các bệnh về hô hấp là chính và mắc cúm A, cúm B hay sốt virus, sốt xuất huyết. Đáng lưu ý, gần đây nhiều trẻ mắc bệnh cúm B - tăng đột biến so với cùng kỳ của các năm và tăng nhiều nhất vào thời điểm trời chuẩn bị bước vào đợt lạnh. Tuần qua tại Khoa đã ghi nhận 100 trường hợp trẻ mắc cúm B,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân cho hay.
Về bệnh cúm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân chỉ rõ cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus Influenza gây ra, bệnh cúm tấn công hệ hô hấp thông qua mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi ngay cả khi không can thiệp điều trị. Tuy nhiên, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…
Hiện nay, virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 3 chủng cúm A, B, C; trong đó cúm A là loại cúm rất phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người. Các đại dịch cúm trong lịch sử phần lớn do chủng cúm A gây ra, như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1… Cúm C có hiểu hiện bệnh rất nhẹ, ít lây nhiễm ở người. Cúm B là một dạng của virus cúm, cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và có thể lây truyền quanh năm.
Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền qua động vật như cúm A. Triệu chứng cúm B thường nhẹ và ít nguy hiểm hơn khi so sánh với các biểu hiện của bệnh cúm A. Hai loại cúm này cũng đồng thời kết hợp và gây nên bệnh cúm mùa hàng năm.
Cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây sang người khỏe mạnh khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus sau đó chạm tay vào mũi, miệng cũng làm tăng khả năng nhiễm cúm.
Để phát hiện sớm và chăm sóc điều trị trẻ cho trẻ đúng cách, bác sỹ Nam khuyến cáo gia đình cần tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách sinh hoạt khoa học như ăn uống đầy đủ, ngủ sớm; cách ly trẻ có triệu chứng với bệnh truyền nhiễm; cho trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch và đầy đủ; thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ, tránh để vi khuẩn, virus xâm nhập. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho… đưa trẻ đến bệnh viện để được khám chữa, cấp đơn và dùng thuốc theo đúng bệnh.
Các bác sỹ cũng lưu ý với cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, không có bệnh lý gì đặc biệt thì chỉ sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc trườm ấm cho trẻ.
Cha mẹ cũng cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe: Đối với trẻ bú mẹ, cho trẻ bú theo nhu cầu, bú nhiều lần hơn so với bình thường. Với trẻ lớn, chuẩn bị cho trẻ các thức ăn mềm, dễ nuốt, cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày; tăng cường rau xanh, trái cây.