Hà Nội: Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế hợp tác xã
Kinh tế - Ngày đăng : 19:30, 30/10/2022
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 4010/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp đóng góp tích cực trong việc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nhiều thành viên và tổ chức tham gia. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên hợp tác xã, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững, ổn định chính trị xã hội và bảo vệ môi trường…
Thành phố phấn đấu, đến năm 2025: 100% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo quy định; thành lập mới từ 150 hợp tác xã nông nghiệp trở lên. Củng cố, kiện toàn phát triển hợp tác xã nông nghiệp; 100% hợp tác xã ở xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được củng cố, kiện toàn; 60% hợp tác xã nông nghiệp trở lên đạt từ loại khá…
Đến năm 2030, 100% số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo quy định; thành lập mới từ 100 hợp tác xã nông nghiệp trở lên. Củng cố, kiện toàn phát triển hợp tác xã nông nghiệp; phấn đấu 70% hợp tác xã nông nghiệp trở lên đạt từ loại khá; tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt 30% trở lên; tỷ lệ giám đốc hợp tác xã nông nghiệp được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc từ 80% trở lên.
Đáng chú ý, thành phố phấn đấu có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, phấn đấu có khoảng 70% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.