Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa hoạt động có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, thoái thác giao trả mặt bằng

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:00, 02/11/2022

Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa trong quá trình hoạt động gây bụi bẩn, nước thải để tràn ra môi trường làm ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và cuộc sống của người dân. Ngoài ra, Công ty này còn đang có dấu hiệu chây ỳ thoái thác giao trả mặt bằng cho cơ quan quản lý.

Vấn nạn dai dẳng?

Thời gian qua, người dân phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa bức xúc về việc trạm than HR Hoằng Lý, thuộc công ty Kinh doanh than Thanh Hóa, trong quá trình hoạt động để nước thải từ trong bãi tập kết, kinh doanh than tràn ra khu vực canh tác hoa màu của các hộ dân xung quanh. Trong quá trình vận chuyển, các xe chở than đã làm rơi vãi ra đường gây bụi bẩn, ô nhiễm, ảnh hưởng đến đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

anh-5.jpg
 Dòng nước đen sì do nước mưa xối thẳng vào những núi than sừng sững được che đậy sơ sài, lênh láng khắp bãi tập kết rồi chảy xuống những thửa ruộng gần đó của người dân. 

Ảnh hưởng đầu tiên của việc gây ô nhiễm môi trường là nước rửa than từ trạm than chảy ra những thửa ruộng xung quanh khiến năng suất cây trồng giảm đáng kể, có chỗ không thể canh tác được. Chưa kể việc mấy chục hộ gia đình sống ven tuyến đường liên xã từ Trạm than ra quốc lộ 1A hàng ngày phải hít khói bụi than từ các xe chở than hoạt động ngày đêm.

Anh Trần Văn Hà, hộ dân canh tác hoa màu gần cảng than, bức xúc: “Nhà tôi có gần 1 mẫu đất trồng rau màu, trước đây cho thu nhập khá ổn định. Nhưng từ khi có điểm tập kết than này thì canh tác không còn hiệu quả nữa. Đất bị ngấm nước than nên trồng cây gì cũng cằn cỗi, không sao lên được. Năng suất giảm, bỏ đất hoang thì tiếc mà trồng cấy thì chăm bón vừa vất vả, vừa không ăn thua. Cực chẳng đã, tôi cùng các hộ dân trồng rau màu xung quanh Trạm than đã phản ánh đến chính quyền, nhờ can thiệp. Nghe đâu đã có kiểm tra, họp bàn nhưng chả hiểu sao vẫn vậy”.

W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong.jpg
Theo người dân, do đất canh tác bị nhiễm nước thải từ bãi than của Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa nên năng suất bị giảm khá nhiều.

Cùng bức xúc với anh Hà, một người dân canh tác rau cạnh trạm than HR Hoằng Lý chia sẻ: “Thời gian đầu mới đi vào hoạt động, họ cũng có chăng lưới để hạn chế bụi than bay ra ngoài nhưng sau khi lưới rách bỏ đi, không thấy họ che chắn gì nữa. Dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh cũng không thấy họ có phương án nào khắc chế bụi than, khiến rau màu của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”.

W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-2.jpg
Trong quá trình nghiền than, do không được che chắn và có biện pháp dập bụi nên bụi than bay ra ngoài môi trường ảnh hưởng.

Theo ghi nhận của phóng viên (PV) con đường dẫn từ Trạm than HR Hoằng Lý ra quốc lộ 1A mặt đường có hiện tượng bị cày nát, ổ voi, ổ gà chằng chịt, bụi bay mù mịt; cây cối hai bên đường đều bị phủ một lớp bụi than và bụi đường. Bà L.T.L, phường Tào Xuyên, tỏ rõ sự ngao ngán, nói: “Hàng ngày có rất nhiều lượt xe chở than chạy qua nhà tôi, gây bụi mù mịt, cây cối, nhà cửa đều phủ một lớp bụi than đen. Có thời điểm, vì bức xúc quá, người dân chúng tôi mang đá, gạch ra chắn xe chở than gây bụi. Công ty có hứa sẽ khắc phục bằng việc thường xuyên tưới nước, nhưng chúng tôi thấy dường như họ chỉ muốn làm kiểu đối phó, chứ không thay đổi được nhiều”…

W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-1.jpg
Mặt đường xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà khiến người dân đi lại khó khăn.
W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-4.jpg
Con đường dẫn từ Trạm than HR Hoằng Lý ra quốc lộ 1A mặt đường có hiện tượng bị cày nát, ổ voi, ổ gà chằng chịt, bụi bay mù mịt, cây cối hai bên đường không còn màu xanh.

Bên trong cảng than, các bãi tập kết than chỉ được che chắn sơ sài, thậm chí là để lộ thiên. Ngăn cách Trạm than với bên ngoài là một bức tường cao khoảng 2 mét, đã xuống cấp nghiêm trọng, chằng chịt vết nứt, chỉ cần một cơn gió nhẹ là bụi than phát tán ra xung quanh, bám vào hoa màu ở những thửa ruộng xung quanh.

W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-6.jpg
Bãi tập kết than chỉ được che chắn sơ sài, cho nên nắng thì bụi, mưa thì kéo theo than hòa chung vào dòng nước chảy ra môi trường.

Để có được những thông tin khách quan nhất về việc chấp hành luật bảo vệ môi trường của Trạm than HR Hoằng Lý, phóng viên đã tiếp cận cơ sở vào một thời điểm khác - khi trời mưa to. Mặc dù mưa lớn, nhưng bãi tập kết than vẫn không được che chắn cẩn thận, nhiều chỗ than chất cao như ngọn núi để lộ thiên, mặc mưa xối vào. Từng dòng nước than đen kịt, chảy lênh láng khắp bề mặt Trạm than và rỉ qua lớp tường rào, chảy ra khu vực canh tác hoa màu của người dân.

Được biết, ngày 27/6/2022, UBND phường Tào Xuyên đã có buổi làm việc với Công ty kinh doanh than Thanh Hóa với nội dung: UBND phường Tào Xuyên có tiếp nhận phản ánh của nhân dân về việc công ty than để nước rửa than tràn ra khu vực canh tác hoa màu của các hộ dân xung quanh công ty, bên cạnh đó xe chở than ra vào công ty không thực hiện che bạt, không tưới phun đường gây bụi trên trục đường từ cảng than ra QL1A, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

W_cong-ty-than-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-6.jpg
Tai biên bản làm việc giữa UBND phường Tào Xuyên và Đại diện Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa nêu rõ những tồn tại và yêu cầu Công ty khắc phục. 

Phía chính quyền phường có ông Nguyễn Gia Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Tào Xuyên, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng Công an phường cùng 3 thành viên nữa. Đại diện Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa là ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trạm trưởng trạm than HR Hoằng Lý - điểm tập kết than đang bị người dân phản ánh về việc gây khói bụi và để nước rửa than tràn xuống ruộng của dân.

Tại buổi làm việc, UBND phường Tào Xuyên đề nghị Công ty than 2 nội dung như sau: Thứ nhất là đề nghị công ty kiểm tra lại vị trí rửa than, không để nước rửa than chảy tràn ra diện tích đất canh tác của dân.

Thứ hai là việc xe chạy chở than không che bạt chắn, xe chạy gây bụi cho khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Yêu cầu công ty nhắc nhở các trạm, lái xe của trạm chở vật liệu ra vào trạm phải thực hiện che chắn bạt, đi qua khu dân cư phải giảm tốc độ, thực hiện tất cả các nội dung về công tác đảm bảo môi trường mà công ty đã xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt; tưới đường, rửa bánh xe trước khi ra khỏi trạm.

Đề cập đến 2 nội dung kể  trên, đại diện công ty than, ông Nguyễn Ngọc Hùng giải thích như sau: Về nước đen rửa than chảy ra diện tích đất canh tác do tường rào nứt, nước mưa to nên mới xảy ra tình trạng này, đơn vị sẽ sớm cho sửa chữa khắc phục, không để tình trạng trên diễn ra.

W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-8.jpg
Tường rào phân cách giữa đất canh tác của người dân và Trạm kinh doanh than bị nứt, nên mỗi khi mưa là nước thải cùng than chảy ra môi trường, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Còn về việc gây bụi khu dân cư, ông Hùng cho rằng công ty có xe tưới nước giảm bụi, tuy nhiên không tưới hết được cả tuyến đường từ cảng ra QL1A. Phía công ty đã có kế hoạch lắp đặt hệ thống phun mưa trong khuôn viên trạm để hạn chế tối đa bụi than phát tán ra môi trường xung quanh.

Kết thúc buổi làm việc, Phó chủ tịch phường Tào Xuyên yêu cầu công ty xây dựng phương án khắc phục tình trạng trên gửi về UBND phường trước ngày 5/7/2022.

“Chây ỳ” việc giao trả mặt bằng

Một điểm tập kết than khác của công ty Kinh doanh than Thanh Hóa ở xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, đang có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vì vi phạm trong lĩnh vực đất đai, buộc hoàn trả mặt bằng từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn không thực hiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 29/8/2014 UBND xã Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) cho ông Nguyễn Văn Nghiêm - đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ và Du lịch Nghi Sơn (Công ty Du lịch Nghi Sơn) mượn khu đất ven đường 513 đi cảng FBS Thanh Hoá thuộc thôn Nam Sơn để tập kết vật liệu xây dựng theo hợp đồng số 85/HĐ-UBND, thời hạn từ ngày 29/8/2014 đến ngày 29/8/2019. Công ty Du lịch Nghi Sơn đã cho công ty Kinh doanh than Thanh Hóa mượn để tập kết than. 

W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-9.jpg
UBND xã Nghi Sơn đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu Công ty than Thanh Hóa trả lại mặt bằng nhưng Công ty này vẫn có dấu hiệu "chây ỳ" không thực hiện.

Do thời hạn hợp đồng đã hết nên ngày 11/02/2020, UBND xã Nghi Sơn đã có Thông báo số 04/TB-UBND gửi Công ty Du lịch Nghi Sơn (đơn vị ký hợp đồng thuê đất) và công ty Kinh doanh than Thanh Hóa, yêu cầu ngừng ngay việc tập kết, vận chuyển than để trả lại mặt bằng cho UBND xã Nghi Sơn quản lý. 03 tháng sau, UBND xã Nghi Sơn tiếp tục gửi thông báo “đòi đất” nhưng Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa vẫn không chịu bàn giao mặt bằng.

Trước hành vi “phớt lờ” của Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa, ngày 25/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2406/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa với các nội dung sau:

  • Hình thức xử phạt hành chính: Phạt tiền, mức phạt là 45.000.000 đồng.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc công ty Kinh doanh than Thanh Hóa nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi chiếm đất là 118.600.000 đồng; Buộc công ty Kinh doanh than Thanh Hóa khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với khu đất mà đơn vị đang sử dụng làm bãi tập kết kinh doanh than tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn.
anh-22.jpg
Ngoài việc ra quyết định xử phạt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa còn buộc công ty than khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Ngày 29/7/2020, công ty Kinh doanh than Thanh Hóa đã chấp hành nộp số tiền phạt và số lợi bất hợp pháp vào Kho bạc Nhà nước nhưng lại không khắc phục hậu quả theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 2406. Chính vì lẽ đó, UBND xã Nghi Sơn đã phải nhiều lần ra thông báo đôn đốc, nhắc nhở, hối thúc ngừng hoạt động, nhanh chóng vận chuyển, tháo dỡ các công trình trên đất trả lại mặt bằng.

Sau nhiều lần bị hối thúc, ngày 12/01/2021, công ty Kinh doanh than Thanh Hóa đã công văn số 52/CV-TTH gửi UBND xã Nghi Sơn giải trình việc chậm trễ là do "năm 2020 kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lượng than tồn lớn,… nên xin được bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6/2021".

Mục sở thị, phóng viên ghi nhận hoạt động kinh doanh than ở đây đã có dấu hiệu tạm dừng, tuy nhiên, lượng than tồn vẫn còn rất nhiều, lại không được che chắn cẩn thận, gây nên cảnh bụi than liên tục phát tán ngoài ra. Sau mỗi trận mưa to, nước than từ bãi tập kết cũng chảy tràn ra phía bên ngoài đường Đông Tây 4, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

“Lâu rồi không thấy điểm tập kết than này hoạt động nhưng việc họ cứ để mặc cho than phơi nắng, phơi mưa như thế không tránh khỏi ô nhiễm môi trường” – anh Lê Văn Q., người dân xã Nghi Sơn cho biết.

Được biết, sau Quyết định xử phạt hành chính số 2406/QĐ-XPHC ngày 25/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 19/1/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có công văn Số: 417 /STNMT-TTr yêu cầu công ty Kinh doanh than Thanh Hóa nhanh chóng vận chuyển hết lượng than tồn và tháo dỡ các công trình trên đất, trả lại mặt bằng cho UBND xã Nghi Sơn quản lý theo quy hoạch trước ngày 15/3/2021.

“Nếu quá thời hạn trên, công ty Kinh doanh than Thanh Hóa không thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật”, công văn Số: 417 /STNMT-TTr nêu rõ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến thời điểm hiện tại, điểm tập kết than nêu trên vẫn tồn tại một cách ngang nhiên?.

W_cong-ty-thanh-thanh-hoa-o-nhiem-moi-truong-7.jpg
Hết năm này qua năm khác, UBND xã Nghi Sơn vẫn phải miệt mài yêu cầu Công ty thanh Thanh Hóa trả lại mặt bằng để quản lý theo quy định. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Khắc Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Sơn cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu công ty Kinh doanh than Thanh Hóa bàn giao lại mặt bằng, gần đây nhất là thông báo số 25 ngày 11/6/2022 đề nghị Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa nghiêm túc thực hiện việc giao trả mặt bằng nhưng họ không thực hiện và cũng không đưa ra bất cứ một lý do nào kể từ khi gửi công văn xin bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6/2021”.

Việc công ty Kinh doanh than Thanh Hóa trong quá trình hoạt động có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường; “chây ỳ” giao trả đất, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, rất cần sự vào cuộc một cách rốt ráo, khách quan từ các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa, không để sự vụ kéo dài, tạo ra tiền lệ xấu, đồng thời, tránh những dị nghị trong dư luận xã hội.

Nguyễn Trường – Sơn Hà