Hà Nội đề xuất làm hầm chui qua các nút giao có lưu lượng xe lớn

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 12:30, 02/11/2022

Hà Nội tới đây sẽ tiếp tục xem xét, đầu tư xây dựng công trình hầm chui kỳ vọng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phục vụ đi lại của người dân.
hhaafm-chui.jpg
Ảnh minh họa.

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, tuyến đường Vành đai 3 dự kiến sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ các nút giao khác mức: Nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3; nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3; Nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3.

Tuyến đường Vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô. Đây vừa là trục giao thông đối nội, vừa là trục giao thông quá cảnh kết nối giao thông nhiều tỉnh, thành phố với trung tâm Thủ đô Hà Nội, vì vậy có lưu lượng xe rất lớn.

Cùng đó, theo quy hoạch phân khu đô thị N10, nút giao giữa đường Đàm Quang Trung và đường Cổ Linh (nút giao Cổ Linh) là nút giao trực thông (giữa tuyến đường trục Vĩnh Tuy - QL5 và đường đường Cổ Linh). Tuy nhiên, hiện nay tại nút giao có lưu lượng giao thông rất lớn đặc biệt là khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào sử dụng và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2023.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hầm chui theo hướng dọc đường dẫn cầu Vĩnh Tuy để hoàn chỉnh nút giao Cổ Linh là cấp thiết góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả dự án cầu Vĩnh Tuy cả 2 giai đoạn, dự án đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến đầu cầu Vĩnh Tuy và hoàn thiện hệ thống đường Vành đai 2 theo quy hoạch.

Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đề xuất UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, giao ban phối hợp triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nêu trên.

Trước đó, trong tháng 10/2022, hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu (quận Thanh Xuân) được thông xe sau 2 năm thi công. Công trình này khi đưa vào hoạt động được kỳ vọng giúp giảm tải ùn tắc tại nút giao Vành đai 3 - Tố Hữu - Lê Văn Lương.

TP. Hà Nội cũng đã khởi công hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng dài 460m, với quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư 778 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội dự kiến thời gian xây dựng hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng (quận Hoàng Mai) khoảng 30 tháng. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A. Điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng, cách vị trí giao cắt với QL1A khoảng 460 m.

Cùng với công trình hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng, dự án Vành đai 2,5 có tổng chiều dài 19,41 km, quy mô mặt cắt ngang từ 40 - 50m sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.

Mai Anh