Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Công cụ kinh tế hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường
Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 08:30, 03/11/2022
Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội. Nhờ có tiền DVMTR, người nhận khoán bảo vệ, phát triển rừng có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống; đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng.
Chính sách chi trả DVMTR giúp nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Cơ bản người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Qua đó giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cả số vụ và mức độ thiệt hại.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng.
Bên cạnh đó, về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, chính sách chi trả DVMTR đã tạo động lực cho các bên liên quan tham gia bảo vệ phát triển rừng. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết mang tính bền vững giữa người sử dụng và người cung ứng DVMTR. Các chủ rừng, người bảo vệ rừng hiểu được giá trị DVMTR, thấy được trách nhiệm và quyền lợi của việc cung ứng dịch vụ giúp cho người dân yên tâm gắn bó với rừng.
Theo đó, việc chi trả tiền DVMTR đã trực tiếp giúp nhiều địa phương có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng được hưởng toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR vì vậy về cơ bản đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các khu vực, địa phương có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, một số thôn bản đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội phục vụ lợi ích chung của thôn như: Làm mới và tu sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng, tu sửa, làm mới công trình nhà văn hóa, trụ sở thôn, điểm trường. Tiền DVMTR mua cây giống trồng rừng và giúp cho người dân vay vốn hỗ trợ sản sản xuất phát triển kinh tế.
Có thể nhận thấy, chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng.
Từ những kết quả thực tiễn đã minh chứng cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng. Chính sách chi trả DVMTR có tác động rất lớn trong việc cải thiện đời sống của người dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, từ đó giúp ổn định an ninh, chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện quy định về chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thực hiện Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ) và Ngân hàng thế giới (WB) với tư cách là cơ quan được Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp (FCPF) ủy thác.
Với Thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn Co2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho FCPF với tổng số tiền là 51,5 triệu USD.
Trên cơ sở ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB, để điều phối và phân chia nguồn tương ứng, UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ phân phối sẽ chỉ đạo các chủ rừng, các bên liên quan tham gia thực hiện Thỏa thuận theo các điều khoản ràng buộc. Các tỉnh thực hiện gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tiềm năng giảm phát thải từ rừng của Việt Nam đạt khoảng 57 triệu tấn/năm. Vì vậy, nếu thương mại hóa được lượng giảm phát thải này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Luật Lâm nghiệp tại khoản 3 Điều 61 đã quy định: “hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, 2 quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh” là một loại dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tuy vậy, loại DVMTR này chưa được quy định cụ thể về việc chuyển nhượng, cơ chế tiếp nhận, quản lý và sử dụng, cơ chế hưởng lợi. Vì thế, chưa có cơ sở tách bạch giữa quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện đối với một số tài nguyên với quyền sở hữu, mua bán những lợi ích thu được từ khai thác, sử dụng những tài nguyên này của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao. Trong khi đó, điều kiện ERPA hiệu lực là phải đảm bảo việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải được thực hiện mà không có khiếu nại nào.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt dự thảo Nghị định về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận ERPA. Theo đó, nguồn thu từ ERPA là một loại DVMTR và được chuyển về hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để chi trả cho các chủ rừng, các đối tượng và hoạt động có đóng góp cho giảm phát thải thông qua hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh.
Thực tế, diện tích rừng tự nhiên ở vùng Bắc Trung Bộ có 2,2 triệu hecta, tương đương 70% tổng diện tích rừng và 75% tổng trữ lượng rừng toàn vùng nên chỉ cần chuyển nhượng kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên (rừng thuộc sở hữu toàn dân) là đã đảm bảo thực hiện ERPA. Để phù hợp với thực tiễn, Bộ NN&PTNT đề xuất Nhà nước là đại diện chủ sở hữu kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên và giao cho Bộ quản lý, sử dụng kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ để thực hiện việc chuyển nhượng sang IBRD.
Theo dự thảo, có trên 70 nghìn chủ rừng sẽ hưởng lợi từ Thỏa thuận ERPA, bao gồm: 143 chủ rừng là tổ chức (Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang và các tổ chức khác); gần 70 nghìn hộ gia đình và khoảng 950 cộng đồng dân cư tham gia quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên.
Nghị định sẽ quy định cụ thể chính sách về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA, bao gồm các hoạt động: hỗ trợ các hoạt động tăng cường các điều kiện cần thiết để giảm phát thải ở cấp Trung ương và cấp địa phương; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải như bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh theo quy định hiện hành, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; hoạt động quản lý.
Nguồn tài chính hoàn toàn là từ nguồn thu từ ERPA và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Điều này làm giảm áp lực phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của vùng Bắc Trung Bộ. Trường hợp IBRD mua lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có) với đơn giá 5 USD/ tấn CO2 thì nguồn thu này còn có thể tăng thêm tối đa 25 triệu USD.
Việc thực hiện thành công ERPA sẽ chứng minh tiềm năng và triển vọng to lớn về nguồn thu này đối với ngành lâm nghiệp nước ta nói chung, làm cơ sở xây dựng thành chính sách để mở rộng áp dụng trên cả nước. Chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng là cơ hội để có thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% đến năm 2030 (theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC cập nhật của Việt Nam), góp phần thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững, Cam kết phát thải ròng bằng “0”.