Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn Quốc Hội
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 10:00, 03/11/2022
Các Bộ trưởng: Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Thị Thanh Trà và Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ trả lời chất vấn đến hết ngày 5/11.
Dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ chiều nay đến hết ngày 5/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 4 Bộ trưởng. Mỗi Bộ trưởng vừa được đại biểu Quốc hội lựa chọn đăng đàn sẽ có 3 giờ đồng hồ để làm rõ các vấn đề đặt ra xoay quanh nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng tập trung vào thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.
Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước đó, ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Liên quan việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội, báo cáo cho biết, ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐTTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội, trong đó đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ ngành và UBND TP. Hà Nội đối với việc di dời trụ sở các Bộ, ngành khỏi nội đô Thành phố Hà Nội.
Bộ Xây dựng thực hiện rà soát 36 cơ quan trung ương thuộc đối tượng quy hoạch gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể trung ương để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại khu vực Mễ Trì.
Phương án di dời gồm 2 nhóm. Đó là nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ bao gồm 23 cơ quan. Trong đó có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Trung ương Hội Nông dân (7 cơ quan đã đưa vào sử dụng; trụ sở Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện). 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng Chính phủ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn; Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 trụ sở bộ, ngành gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin Truyền thông; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Trung ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam.
Đối với nhóm cơ quan đề xuất di dời, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 19/5/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 658/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, trong đó giao Bộ Xây dựng tổ chức Cuộc thi ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây làm cơ sở lập, hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở bộ, ngành.
Trên cơ sở kết quả thi tuyển, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ ngành trung ương, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan về đồ án quy hoạch khu trụ sở bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì, Hà Nội.
Đến ngày 16/9/2022, Bộ đã nhận đủ văn bản góp ý trong đó đa số đồng thuận với các nội dung chính của đồ án; một số cơ quan bổ sung, làm rõ nhu cầu sử dụng trong tương lai.
Đồ án đã được chỉnh sửa, bổ sung các nội dung phù hợp và hiện đang triển khai lấy thêm ý kiến cộng đồng dân cư tại các khu đất thuộc phạm vi ranh giới nghiên cứu lập đồ án quy hoạch (phường Mễ Trì và Trung Văn (Nam Từ Liêm), phường Xuân La (Tây Hồ), phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm). Công tác này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đề cập khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan).
Ngoài ra các bộ, ngành và Thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).
Về giải pháp, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội, UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời, bảo đảm phù hợp với mục tiêu của Chính phủ.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện công tác rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định việc sử dụng quỹ đất phù hợp, hiệu quả, tuân thủ định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng có liên quan; đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm các yêu cầu về không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ và phát huy công trình kiến trúc có giá trị.
Ngày mai, thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.