Nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:30, 07/05/2022
Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật
Nguồn lực BVMT theo nghĩa hẹp là nguồn nhân lực và vật lực để thực hiện công tác BVMT nhằm đạt mục tiêu BVMT đặt ra. Với nghĩa rộng, có thể hiểu nguồn lực cho BVMT không chỉ gồm nguồn nhân lực, vật lực mà còn cả tri thức (công nghệ, quy trình, năng lực quản lý) cũng như thông tin, cơ sở dữ liệu cho công tác BVMT. Trong đó, nguồn lực tài chính cho công tác BVMT – một cấu phần quan trọng của nguồn vật lực BVMT được hiểu là toàn bộ nguồn tiền được sử dụng để phục vụ cho BVMT.
Luật BVMT năm 2020 khi đề cập tới nguồn lực về BVMT đã sử dụng khái niệm nguồn lực với nghĩa rộng, đồng thời tập trung làm rõ những biện pháp cần áp dụng để “khơi dậy” hay phát huy nguồn lực để BVMT. Theo đó, những vấn đề liên quan tới nguồn lực về BVMT không chỉ được thể hiện trong nội dung Chương XI Luật này mà còn được đề cập ở nhiều chương khác.
Bảo vệ môi trường cần nguồn lực tài chính rất lớn
Đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường
Đối với nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, theo quy định tại Mục 3 Chương XI Luật BVMT năm 2020, nguồn lực này bao gồm: (i) Ngân sách Nhà nước; (ii) Nguồn vốn xã hội hóa cho bảo vệ môi trường; (iii) Tín dụng xanh; (iv) trái phiếu xanh; (v) Nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, về ngân sách Nhà nước: Hiện nay, nguồn lực tài chính cho BVMT vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách (Ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách (ODA), trong khi huy động nguồn lực tài chính khác còn chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) chi cho các hoạt động này cũng còn hạn chế, Thông tư 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường không quy định cụ thể mức kinh phí sự nghiệp môi trường, mà chỉ giới hạn không thấp hơn 1% tổng chi NSNN trong dự toán ngân sách hàng năm.
Theo Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 của Chính phủ, NSNN bố trí chi sự nghiệp môi trường năm 2020 là 21.424 tỷ đồng, tương đương 1,2% tổng chi ngân sách địa phương (tăng 982 tỷ đồng so với năm 2019 và tăng 6.324 tỷ đồng so với năm 2018), trong đó kinh phí sự nghiệp BVMT trung ương là 2.450 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp BVMT địa phương là 18.974 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 về dự toán NSNN năm 2020, trong đó tại điểm m khoản 5 Điều 3 quy định về kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường đã cho phép sử dụng kinh phí sự nghiệp BVMT để thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư, gồm: Hỗ trợ địa phương còn nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương để xây dựng nhà hỏa táng cho đồng bào Khmer; (ii) xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng thuộc khu vực công ích; (iii) nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường; qua đó đã tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phù hợp với nhu cầu của thực tế; do đó, số kinh phí hủy dự toán năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019 (năm 2020 hủy dự toán 269,1 tỷ đồng, trong khi đó năm 2019 hủy dự toán 1.095,2 tỷ đồng).
Trong các năm tới, nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT, Quốc hội cần xem xét tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ NSNN cho BVMT, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách, bảo đảm mức và cơ cấu đầu tư cho BVMT hợp lý trong đầu tư phát triển kinh tế; đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, bảo đảm nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được sử dụng gắn với trách nhiệm BVMT. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu, hình thành các nguồn thu mới; từng bước tăng dần mức thu tương ứng với mức độ hưởng lợi từ môi trường hoặc mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho BVMT từ NSNN, tạo nguồn tài chính bền vững cho BVMT.
Thứ hai, vốn xã hội hoá cho bảo vệ môi trường: Do nguồn lực NSNN còn hạn chế và chưa thể bảo đảm đủ kinh phí giải quyết các vấn đề môi trường, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tham gia đầu tư cho hoạt động BVMT. Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, vốn xã hội hoá cho bảo vệ môi trường bao gồm: (i) Nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; (ii) Nguồn đóng góp, tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trong đó, nhằm tăng cường nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, Nghị định này đã quy định chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường như: (i) Đầu tư đổi mới công nghệ xử lý chất thải theo quy định của pháp luật; (ii) Đầu tư xây dựng, vận hành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; (iii) Thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường (nếu có); (iv)Thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (nếu có).
Đối với nguồn vốn đóng góp, tài trợ, viện trợ, trong các năm gần đây, các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực vận động, huy động nguồn lực quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường và cho việc thực hiện các cam kết quốc tế của ta về môi trường thông qua thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác với các đối tác phát triển trong lĩnh vực BVMT. Cụ thể, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện xác nhận viện trợ không hoàn lại liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường là hơn 4,76 triệu USD, tương đương với 110,5 tỷ đồng; trong đó có các chương trình, dự án lớn như: Thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc các dự án sử dụng Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Kông – Lan Thương với tổng giá trị viện trợ không hoàn lại 1.460.500 USD cho 04 dự án, trong đó có 01 Dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường với giá trị 467.600 USD; Chương trình môi trường Liên hợp quốc thực hiện dự án xử lý rác thải nhựa tại khu vực Mê Công trong đó Nhật Bản cam kết cung cấp 5,7 triệu USD; hợp tác với EU triển khai Chương trình Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo trị giá 108 triệu Euro.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xã hội hóa BVMT vẫn còn nhiều bất cập do chưa xây dựng được các quy định pháp lý để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu hơn nữa vào BVMT. Theo đó, Chính phủ cần chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư BVMT và triển khai mạnh mẽ mô hình hợp tác công – tư (PPP). Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy mạnh hợp tác với các Chính phủ và tổ chức trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút tối đa nguồn vốn cho phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường đã được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thực hiện
Thứ ba, cấp tín dụng xanh: Thực tế tại Việt Nam, việc cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường đã được Ngân hàng nhà nước khuyến khích thực hiện theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015. Tuy nhiên, đến khi Luật BVMT năm 2020 được ban hành, chế định tín dụng xanh mới được luật hoá với các quy định thực hiện cụ thể. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn để tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh. Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tham gia cấp tín dụng xanh được hưởng các cơ chế khuyến khích: (i) Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển; (ii) Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ đào tạo, tập huấn cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn của các khoản tín dụng xanh lần đầu tiên được quy định với lộ trình thực hiện kể từ ngày 01/01/2026. Có thể thấy, việc ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các các dự án thuộc danh mục loại xanh là một hướng đi mới của Chính phủ nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tăng cường đầu tư bảo vệ môi trường với các khoản hỗ trợ lãi suất trực tiếp.
Thứ tư,trái phiếu xanh: Đây là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 150 Luật BVMT năm 2020.
Thứ năm, nguồn vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường cấp tỉnh là tổ chức tài chính Nhà nước, được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để cho vay ưu đãi, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường. Theo quy định tại Điều 158 và 159 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, vốn điều lệ của Quỹ được hình thành chủ yếu từ nguồn NSNN, trong đó, vốn điều lệ của Quỹ BVMT Việt Nam tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh tối thiểu là 30 tỷ đồng.
Đối tượng cho vay của Quỹ là các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư BVMT tại Phụ lục XXX Nghị định số 08/2022/NĐ-CP với mức lãi suất ưu đãi cố định trong suốt thời gian cho vay từ 2,6 % – 3,6%, cùng thời hạn vay lên đến 10 năm. Theo thông tin từ Quỹ BVMT Việt Nam tại Chương trình Nâng cao năng lực tiếp cận nguồn vốn xanh cho doanh nghiệp do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương và ITC tổ chức ngày 27-28/10/2021, tính đến cuối năm 2020, Quỹ đã cho vay với lãi suất ưu đãi 346 dự án tại 54 tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền cho vay theo Hợp đồng tín dụng là 3.362 tỷ đồng.
Thông qua hoạt động của mình, nguồn vốn do NSNN cấp cho Quỹ BVMT đã hỗ trợ được cho nhiều dự án, hoạt động BVMT. Có thể nói, Quỹ BVMT đã góp phần tích cực vào quá trình đồng bộ hóa các công cụ tài chính, chính sách của Nhà nước, hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực BVMT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu hoạt động BVMT, Chính phủ cần củng cố, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn từ NSNN, tạo cơ chế huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong BVMT. Từng bước hình thành thị trường vốn cho BVMT, khuyến khích thành lập quỹ tài trợ cho các sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng, các phong trào, hoạt động BVMT vì lợi ích chung của xã hội.
Ths. Phạm Tuấn Anh