Rác thải sinh hoạt nông thôn - Bài 2: Loay hoay giải pháp thu gom, xử lý

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 19:03, 03/11/2022

Chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã trở thành vấn đề nổi cộm khi lượng rác thải nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại, đặc biệt là rác thải nhựa, ni lông dùng một lần. Trong khi đó, việc thu gom, xử lý vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Bất cập trong thu gom....

Việt Nam có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm tới hơn 73% dân số cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40%; tỷ lệ tái chế khoảng 3,24%; còn lại phần lớn chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp vào môi trường. Khoảng 50% các xã trong toàn quốc đã thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt, song tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng được nhu cầu nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ và điểm giáp ranh giữa các thôn, xóm.

rac-sinh-hoat-2-.jpg
Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt

Tính chung lượng rác thải trên cả nước hiện nay, khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Trong khi đó, nhiều điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Vì vậy, bảo vệ môi trường luôn được đánh giá là bài toán khó nhưng vẫn chưa có lời giải tối ưu.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa. Hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Mặc dù đến nay, đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện, còn lại phần lớn là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân với mức thu thấp, khoảng 10.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng. Với số tiền này chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

Nhiều hạn chế trong việc xử lý


Không chỉ khó khăn trong công tác thu gom rác, việc xử lý rác ở nông thôn còn bất cập và phức tạp hơn. Theo Bộ TN&MT, 75% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Thế nhưng, các công nghệ xử lý chất thải tại các vùng nông thôn đều đang bộc lộ hạn chế và chưa giải quyết được triệt để vấn đề xử lý chất thải rắn tại địa phương.

rac-sinh-hoat-3-.jpg
Không chỉ khó khăn trong công tác thu gom rác, việc xử lý rác ở nông thôn còn bất cập và phức tạp hơn

Đáng nói, tại một số vùng nông thôn, còn tồn tại những lò đốt cỡ nhỏ cấp xã, không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN61:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (về công suất còn nhỏ hơn 300kg/h, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu…). Bên cạnh đó, có một số lò đốt mặc dù đáp ứng theo QCVN 61:2016/BTNMT nhưng khi áp dụng thì trình độ vận hành của các công nhân không đảm bảo yêu cầu tuân thủ về kỹ thuật (như nhiệt độ cháy theo yêu cầu hoặc vận hành hệ thống xử lý khí thải) nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đây chính là tác nhân dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, đặc biệt là dioxin/Furan.

Trong khi đó, thực tế tồn tại là chất thải rắn sinh hoạt vẫn bị đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan. Tại các thôn, xã chưa có quy hoạch xây dựng các bãi chôn lấp chất thải taaop trung và chưa có quy định chỗ tập kết rác thải, nhiều bãi chôn lấp chất thải ở nông thôn vẫn hình thành tự phát. Và theo cảnh báo của Tổng cục Môi trường, những bãi rác rác này có nguy cơ trở thành những điểm ô nhiễm tồn lưu.

Theo các chuyên gia, nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn chưa triệt để. Trước hết, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh chưa cao. Về khách quan, khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn trong xây dựng hạ tầng, bãi rác tập trung chưa có hoặc ở cách quá xa khu dân cư quá xa. Ngoài ra, việc đầu tư trong công tác quản lý chất thải nói chung, chất thải sinh hoạt nông thôn nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc lựa chọn công nghệ xử lý chưa phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội từng địa phương, đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng miền...

Các chuyên gia cho rằng, để môi trường nông thôn được xanh, sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc nâng cao ý thức. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý cho việc xử lý rác thải. Đồng thời phải có sự đầu tư tối ưu công nghệ cho tái chế. Trước đây, chúng ta vẫn coi rác là thảm họa, nhưng giờ phải nhìn nhận rác là nguồn tài nguyên. Và để tận dụng nguồn tài nguyên này thì việc thu gom phân loại tại đầu nguồn cần thực hiện tốt, từ đó mới có thể xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, phải đi sâu vào công nghệ, tối ưu hóa công nghệ, để vừa làm sạch môi trường vừa tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu tạo ra.

Thu Hà