Rác thải sinh hoạt nông thôn - Bài 3: Xử lý cần sự đồng hành quyết liệt

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 20:00, 04/11/2022

Một trong những mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là xây dựng nông thôn mới gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn.

Nhiều khó khăn trong xử lý rác thải nông thôn

Nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt nông thôn đang càng ngày càng trầm trọng gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Bài toán rác thải nông thôn đã được đặt ra từ lâu, song đến nay hiệu quả đạt được vẫn rất hạn chế. Tình trạng rác thải sinh hoạt nông thôn ùn ứ tại các điểm tập kết, tại các ao hồ, kênh mương và trong các khu dân cư đang ngày càng trở nên bức xúc, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Thông tin Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT cho biết: “Gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì vấn đề rác thải nông thôn trở thành một vấn đề hết sức quan trọng, cần được xử lý, không kém gì vấn đề xử lý rác thải ở những đô thị lớn”. Theo đó, việc xử lý rác thải ở và nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường.

rac-sinh-hoat-nong-thon-2-.jpg
Nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt nông thôn đang càng ngày càng trầm trọng gây nhiều tác động xấu đến môi trường


Cùng với các công nghệ hiện đại, tân tiến, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại Việt Nam đã là một bài toán khó. Thêm vào đó, ở nông thôn với công tác tuyên truyền cũng như độ thích ứng của người dân còn hạn chế, nên càng nhiều thử thách hơn.

Thực trạng cho thấy, vẫn đang chỉ dừng ở việc chôn lấp rác thải. Hoặc trong tiêu chuẩn đạt xã nông thôn mới thì tiêu chuẩn môi trường ở một số xã còn đang được cho nợ. Trường hợp khác, trong quy định về môi trường ở các xã được tạm thời cắt giảm. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu thì chúng ta bắt buộc phải đạt, nên vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm hơn. Nếu đạt đủ các tiêu chí này thì đời sống người dân, an sinh xã hội sẽ tốt hơn nhiều.

Cấp thiết phải quy hoạch tổng thể


Theo các chuyên gia, giai đoạn 2021-2025, yêu cầu chúng ta phải có những biện pháp rất tích cực, triệt để và căn cơ thì mới giải quyết được “bài toán” về rác thải nông thôn. Đáng nói, muốn giải quyết triệt để và tối ưu vấn đề rác thải sinh hoạt, bắt buộc người dân phải phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, bao lâu nay, việc kêu gọi người dân tự phân loại rác trước khi thải bỏ vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể. Bởi còn quá nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hóa quy trình phân loại tại nguồn cho tới thu gom, xử lý khiến việc tái chế, tái sử dụng rác thải cũng gần như… “đi vào ngõ cụt”.

rac-sinh-hoat-nong-thon-3-.jpg
Cùng với các công nghệ hiện đại, tân tiến, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đã là một bài toán khó


Do đó, phân loại rác đầu nguồn là việc khó khăn nhưng vẫn phải làm bởi không có cách nào khác. Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ đơn giản nói đến việc giữ gìn nhà cửa, làng xóm xanh – sạch – đẹp, mà đã được mở rộng hơn, bao gồm cả những hoạt động tiêu dùng bền vững như hạn chế tối đa túi ni lông, các đồ nhựa dùng một lần, sử dụng tối ưu thực phẩm, tăng cường tái sử dụng.

Cụ thể, theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường mới, việc xử lý rác thải sinh hoạt cần tư duy mới về những giải pháp đồng bộ, toàn diện và sáng tạo để giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi. Một là làm sao có thể hệ thống hóa được việc phân loại rác tại nguồn, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng. Hai là xác định trách nhiệm của người xả rác thải vào môi trường theo nguyên tắc người xả thải nhiều sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn. Ba là cần tiếp cận rác thải trên cả vòng đời của sản phẩm, nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn – xanh, tức là chất thải ngành này phải thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác.

Đơn cử, theo đề xuất của một số chuyên gia, mỗi địa phương nên có một tư duy quy hoạch về vùng xử lý rác, theo đó mỗi tỉnh, thành nên cân nhắc có một kiến trúc sư trưởng về vấn đề rác để hoạch định từ công tác quy hoạch để đạt được sự đồng bộ và hiệu quả trong công tác xử lý rác nông thôn.

Để bảo vệ môi trường nông thôn, định vị nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, yêu cầu đến năm 2025, phải thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn; Tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.

Ngoài ra, 95% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất; Phấn đấu 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải được xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỉ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.

Thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tại nhiều địa phương trên cả nước đã thành lập các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thí điểm các mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ... bước đầu thu được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

rac-sinh-hoat-nong-thon-1-.jpg
Việc xử lý rác thải sinh hoạt cần tư duy mới về những giải pháp đồng bộ, toàn diện và sáng tạo để giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi


Những năm gần đây, huyện Kim Bảng trở thành điểm sáng của tỉnh Hà Nam trong thu hút các nhà đầu tư, nhờ thế kinh tế-xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nhưng đi liền với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng từ 35 đến 40 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Để nâng cao năng lực quản lý, tái chế, tái sử dụng, giảm khối lượng chất thải phát sinh và cải thiện môi trường sinh thái, UBND huyện đã phê duyệt Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, với mục tiêu tất cả các đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp công nghệ xử lý tại địa phương. Lúc đầu chưa quen, nhiều người dân thấy ngại phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Nhưng khi được chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội vận động, tuyên truyền; thống nhất thời gian, cách thức thu gom, phân loại rác thải đối với từng đối tượng, đến nay, tất cả các hộ gia đình đã thực hiện rất tốt phân loại rác tại nguồn. Toàn bộ rác hữu cơ được thu gom chuyển về bể chứa và được xử lý bằng chế phẩm sinh học.

Tại huyện Lý Nhân, bên cạnh vận động người dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, huyện còn triển khai khá hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường, trong đó phải kể đến mô hình “Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật” trên đồng ruộng do Hội Nông dân huyện khởi xướng. Từ năm 2019, Hội Nông dân xã Xuân Khê đăng ký với Hội Nông dân huyện triển khai mô hình “Bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật”. Từ nguồn quỹ môi trường của UBND xã, sự đóng góp của hội viên, hơn 30 bể chứa rác thải đúc bằng bê-tông được lắp đặt trên các cánh đồng của bốn thôn; đồng thời thành lập tổ thu gom rác thải trên đồng ruộng. Các thành viên của tổ có nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, nhắc nhở người dân bỏ các vỏ túi, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa rác. Đến nay rác thải thuốc bảo vệ thực vật cơ bản đã được thu gom đúng quy định, bảo đảm sức khỏe cho người nông dân và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản sau thu hoạch...

Với sự vào cuộc của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang, nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã được các cấp hội triển khai tại cơ sở như: Mô hình “Thu gom rác tái chế” để bán lấy kinh phí hỗ trợ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn mua bò giống; mua xe đạp hỗ trợ học sinh nghèo; mua làn phát cho hội viên đi chợ để giảm sử dụng túi nilon được triển khai tại các cấp hội các huyện Yên Thế, Lạng Giang, TP Bắc Giang; hay “Mô hình phân loại rác thải, chế biến phân vi sinh” tại huyện Lạng Giang. Một số cơ sở xử lý rác thải cũng đã tiến hành tách bớt các chất hữu cơ dễ phân hủy để ủ phân compost tại các địa phương Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang. Thông qua các mô hình, nhận thức của người dân trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải đã được nâng lên rõ rệt, nhất là không còn tình trạng người dân, doanh nghiệp đổ trộm, đốt rác thải như trước đây; không còn phát sinh các điểm tồn lưu rác thải không đúng quy định tại khu vực công cộng…

Thu Hà