Nỗ lực của chủ nhà Ai Cập hướng tới COP27

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:00, 04/11/2022

Từ ngày 6 đến 18/11/2022, các nhà lãnh đạo thế giới và nhân vật chủ chốt khác tựu về khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh của Ai Cập để tham gia hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27).

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 2/11 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết được đưa ra trước đó để chống biến đổi khí hậu, trước thềm Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6-18/11.

cop-276.jpg
Khu nghỉ dưỡng Sharm el Sheikh, Ai Cập, được chọn là nơi tổ chức hội nghị COP27

Ông Shoukry nhấn mạnh các bên tham gia hội nghị khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc cần phải thực hiện "các bước thiết thực và có ý nghĩa" theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận này hướng tới mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C từ nay đến năm 2100. Đây là nhu cầu chủ chốt của các nước nghèo vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu.

Tại COP26 diễn ra ở Glasgow hồi năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã đưa ra cam kết đạt được mục tiêu quan trọng này.

Ngoại trưởng Ai Cập, đồng thời là Chủ tịch COP27, cũng thừa nhận những diễn biến quốc tế không thuận lợi hiện nay đang khiến cho các mục tiêu trở nên kém khả quan hơn, đồng thời cảnh báo về sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển nhằm giúp họ thúc đẩy nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Shoukry cho biết COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năng lượng và cuộc xung đột ở Ukraine vốn đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu.

Việc hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi đầu năm nay không đưa ra một thỏa thuận về môi trường cũng sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tại Sharm El-Sheikh.

Trước đó, ngày 1/11, ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập, đã kêu gọi tăng mạnh nguồn hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu của châu Phi từ 11,4 tỷ USD hiện nay lên 62 tỷ USD.

Ông Mohieldin cho biết châu Phi hiện nhận được khoảng 29,5 tỷ USD mỗi năm, trong đó 14,6 tỷ USD dành cho giảm nhẹ tác động và khoảng 11,4 tỷ USD được cấp cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông, châu Phi cần tới 2.800 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2030, với trung bình 277 tỷ USD mỗi năm.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đang phát triển và các nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi thiết lập một quỹ để bồi thường cho các quốc gia nghèo bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những lời kêu gọi đó đã bị từ chối tại COP26.

Hội nghị COP27 được kỳ vọng sẽ biến các cam kết khí hậu thành hành động thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Minh Trang