Đà Nẵng: Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 20:53, 04/11/2022

Các ngành chế biến chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế Việt Nam với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sáng 4/11, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo UBND và Sở Công thương Đà Nẵng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành trong cả nước; các hiệp hội, Hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế… tham dự Hội nghị.

cong-nghe-ho-tro-1.jpg
Hội nghị Kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp TP.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, tập trung vào các sản phẩm như: Linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các ngành công nghiệp ưu tiên; thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trên cơ sở chủ trương trên, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Đà Nẵng và UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, để công nghiệp hỗ trợ tại TP Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung không ngừng phát triển, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động có liên quan để kết nối giữa các doanh nghiệp, địa phương và các Hội, Hiệp hội có liên quan cũng như với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, được sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, TP Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều chương trình kết nối cung cầu, kết nối giao thương trong nhiều lĩnh vực, đem lại những kết quả thiết thực và nhiều cơ hội hợp tác được mở ra.

“Tiếp nối những kết quả đạt được đó, lần này TP Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022. Đây là hoạt động nhằm tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh, thành khác trong cả nước hợp tác; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn: Hội nghị sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ tại TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.

cong-nghe-ho-tro.jpg
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện ở nước ta, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Ngày 22/03/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định: “Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá” và đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%.

Trong khi đó, tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng nêu rõ công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Một trong những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu trên là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ban hành các chính sách ưu dãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh cực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Nhấn mạnh vai trò của TP Đà Nẵng trong nhiệm vụ này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam, đóng vai trò hạt nhân, quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Xét về cơ cấu ngành kinh tế của Đà Nẵng, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 20,72% trong GRDP toàn ngành kinh tế. Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.

“Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đồng chủ trì cùng UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Kết nối công nghiệp hỗ trợ lần này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hợp tác, liên kết, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý, điều hành và phát triển; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây sẽ là hoạt động kết nối có ý nghĩa, mang lại nhiều hiệu quả tích cực và rõ nét nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo tại Đà Nẵng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo tính lan tỏa tới cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và toàn quốc.” - Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Theo Chương trình, Hội nghị diễn ra trong 01 ngày, ngoài nội dung thảo luận, trao đổi, đánh giá, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế và xây dựng định hướng chiến lược, muc tiêu phấn đấu liên quan đến công nghiệp hỗ trợ và kết nối lĩnh vực này…, trong khuôn khổ của Hội nghị, các địa phương, đơn vị tiến hành khảo sát, thu thập, tổng hợp thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp; gặp gỡ, kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và đơn vị liên quan; trưng bày, quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp…

Được biết, Hội nghị lần này có sự tham gia của gần 400 đại biểu, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp tham dự và gần 50 doanh nghiệp đăng ký trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: cơ khí, điện tử, lắp ráp ô tô, bao bì...

Vũ Thành