Hội nghị COP27: Nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:00, 06/11/2022

Theo kế hoạch, tại Hội nghị COP27 các quốc gia tiếp tục thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện các cam kết ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Nhiều thách thức chờ Hội nghị COP27

Hội nghị COP27 được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, dự kiến từ ngày 6 - 18/11/2022. Đây là hội nghị thường niên lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến khí hậu trên hành tinh. Năm 1992, Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất tại Rio de Janeiro, Brazil, trong đó Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã được thông qua và cơ quan điều phối đã được đưa vào hoạt động. Trong hiệp ước này, các quốc gia đã nhất trí “ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển để ngăn chặn sự can thiệp nguy hiểm từ hoạt động của con người đối với hệ thống khí hậu”. Cho đến nay đã có 197 quốc gia ký kết hiệp ước này. Kể từ năm 1994, khi hiệp ước có hiệu lực, hằng năm Liên hợp quốc đã tập hợp hầu hết các quốc gia trên toàn cầu tham gia các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.

Năm nay, COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức. Ngoài những áp lực kéo dài do đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thế giới hiện phải đối mặt với giá năng lượng và lương thực cao kỷ lục ở nhiều khu vực do xung đột ở Ukraine. Những điều này dẫn đến lạm phát cao, tăng trưởng thấp hơn và nguy cơ suy thoái ở nhiều quốc gia.

Theo các chính sách về khí hậu hiện hành, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang trên đà tăng 10%, khiến nhiệt độ Trái đất có xu hướng tăng tới 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này. Các nhà phân tích cho rằng, bất chấp những tiến triển tích cực tại COP26 diễn ra tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) năm 2021, các cam kết của các quốc gia ngay cả khi được thực hiện đầy đủ, vẫn không đưa thế giới vào quỹ đạo hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

lu-lut.jpg
Biến đổi khí hậu khiến lũ lụt ở Pakistan thêm trầm trọng. Ảnh: AFP.

Hội nghị COP27 là một tiến trình tiếp nối của Hội nghị COP26, nhằm tiếp tục thực hiện và tăng cường hợp tác giữa các bên, thay vì một sự kiện đơn lẻ, tách biệt. Theo đó, Hội nghị COP27 năm nay sẽ ưu tiên các vấn đề về thích ứng, khắc phục tổn thất, giáo dục, nâng cao tham vọng khí hậu của các bên. Đồng thời, đặc biệt chú trọng những vấn đề khó khăn mà các quốc gia đang phát triển đang gặp phải, như: An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, giải pháp thích ứng bền vững trong quá trình đô thị hóa, giảm tổn thất và lãng phí nguồn nước...

Theo các chuyên gia, hội nghị cũng sẽ chứng kiến các cuộc đàm phán liên quan đến một số điểm vẫn chưa thể thực hiện sau COP26, gồm: Tài trợ “tổn thất và thiệt hại” để các nước bị tổn thương có thể đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu vượt quá khả năng mà họ có thể thích ứng; việc thực hiện cam kết 100 tỷ USD mỗi năm từ các quốc gia phát triển đến các quốc gia có thu nhập thấp. Tất cả các cuộc thảo luận này sẽ mở đường cho COP28 vào năm 2023 nhằm đánh giá tiến bộ chung toàn cầu về giảm thiểu, thích ứng và các phương tiện thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015. Dự kiến Hội nghị COP27 sẽ có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính quốc tế...

Tăng cường cam kết tài chính thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu

Một trong những vấn đề nổi cộm tại COP27 chính là cam kết tài chính xanh. Theo đó, mỗi năm các nước phát triển vốn thải nhiều khí CO2 vào khí quyển sẽ dành một khoản cam kết 100 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cam kết này lẽ ra phải được thực hiện từ năm 2020 nhưng đã không đạt được. Theo tính toán cập nhật mới nhất, các nước giàu mới chỉ cam kết chi 83,3/100 tỷ USD. Các nhà kinh tế lo ngại rằng với sự giảm tốc của kinh tế thế giới, dịch bệnh COVID-19 còn dai dẳng và đặc biệt là nhiều nước đang phải quay trở lại với điện than, khí đốt…trong bối cảnh lạm phát giá năng lượng, việc cam kết hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD sẽ khó có thể đạt được tại COP27 năm nay, mà phải chờ đợi tới 2025.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) hàng năm có ý nghĩa quan trọng vì đây là nơi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau thảo luận về những vấn đề biến đổi khí hậu và cùng đưa ra hành động. Năm nay, việc huy động nguồn tài trợ để giúp các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu được kỳ vọng là chương trình nghị sự quan trọng tại Hội nghị COP27 lần này.

Trong đợt ngập lụt kinh hoàng tại Pakistan vào mùa hè vừa qua, 1/3 diện tích của Pakistan bị chìm trong nước, 1.700 người chết. Pakistan chịu thiệt hại kinh hoàng từ thiên tai, nhưng nước này chỉ góp 1% vào lượng khí thải toàn cầu.

Những nước dễ bị tổn thương như Pakistan đang kêu gọi các nước phát triển xả thải nhiều phải chi trả cho tổn thất họ phải chịu từ biến đổi khí hậu. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ đại diện của Liên Hợp Quốc.

Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Hội nghị khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu, nói: "Những người dễ bị tổn thương phải là ưu tiên hàng đầu của danh sách vì họ trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu. Pakistan đã thiệt hại hàng tỷ USD sau thảm họa lũ lụt vừa rồi. Làm thế nào để họ phục hồi? Những cơ chế nào sẽ giúp họ? Chỉ riêng nguồn lực của chính phủ Pakistan là không đủ để giúp người dân phục hồi sau một thảm họa lớn như vậy".

Làm thế nào để ràng buộc các nước phát thải nhiều - tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước phát thải ít là chủ đề được quan tâm tại COP27 lần này. Đây là vấn đề được thảo luận tại hầu như mỗi hội nghị COP, nhưng các nước hy vọng COP27 sẽ đạt được bước tiến trong việc thiết lập một cơ chế chính thức.

Bên cạnh đó, các nước phát triển cũng cần hỗ trợ nhiều hơn, để giúp các quốc gia khác chuyển đổi sang công nghệ xanh. Có như vậy nỗ lực ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu mới phát huy tác dụng.

Tiến sĩ Tara Shine, chuyên gia tư vấn về kinh tế và khí hậu, nhận định: "Các nước đang phát triển cần nguồn tài chính và công nghệ từ các nước phát triển để đầu tư dài hạn và cả ngắn hạn ứng phó với biến đổi khí hậu. Dòng tiền phải chảy, sự phối hợp cần phải được thực hiện. Hãy nhớ trong cuộc khủng hoảng này không quốc gia nào có thể một mình tìm ra lối thoát".

Giới quan sát kỳ vọng, COP27 sẽ cung cấp một nền tảng để triển khai các công cụ tài chính sáng tạo, có thể thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Sau COP26, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ban hành những chính sách, chiến lược hành động để tạo cơ sở cụ thể hoá những cam kết của mình. Đến nay, Việt Nam được nhiều quốc gia đánh giá là “điểm sáng” trong các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu như ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030… Những hành động của Việt Nam đã và đang góp phần trong công cuộc thích ứng với biến đổi khí hậu của thế giới.

Nguyên Lâm