Chơi ở đâu khi đi đến Lạng Sơn?

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 12:00, 07/11/2022

Nhắc đến Lạng Sơn du khách nhớ đến đây là mảnh đất nên thơ, trữ tình với những danh lam thắng cảnh “bước ra từ lịch sử”, vừa nhộn nhịp với những khu mua sắm sầm uất, lý tưởng. Vây nên, hãy ghé Lạng Sơn một lần để cảm nhận nét đẹp nơi đây.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi cách thủ đô Hà Nội hơn 180km, có khí hậu mát mẻ quanh năm, sơn thuỷ hữu tình, cảnh sắc thay đổi theo mùa. Có lẽ bởi những đặc điểm ấy, nơi đây luôn là điểm đến thu hút một lượng lớn du khách bất kỳ thời điểm nào trong năm. Thậm chí, nếu may mắn đến Lạng Sơn vào mùa lạnh, bạn có thể nhìn thấy những đợt tuyết nhẹ nhàng phủ kín đất trời.

chua-tam-thanh.jpg
Cổng chùa Tam Thanh.

Chùa Tam Thanh

Động Tam Thanh và chùa Tam Thanh là di tích lịch sử văn hoá, danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng. Trong động Tam Thanh có chùa, gọi là chùa Tam Thanh, còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền. Chùa Tam Thanh nổi tiếng bởi những giá trị văn hoá nghệ thuật của di tích. Hiện nay trong chùa còn có một hệ thống bia Ma Nhai khá phong phú có giá trị về mặt sử liệu và văn hoá nghệ thuật do các văn thân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở di tích là tấm bia được Binh Sứ Bắc Quân Đô Phủ, Đô Đốc Thiên Sự Vũ Quận Công Vi Đức Thắng tạc khắc vào thời Lê – Vĩnh Trị thứ 2 (1677) bia có tên là: “Trùng tu Thanh Thiền Động” nội dung bia ghi lại việc hưng công trùng tu di tích này của ông. Tấm bia cổ tiếp theo là của tác giả Ngô Thì Sĩ tạc vào năm Kỷ Hợi (1779) là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích. Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu Adiđà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích. Đi sâu vào trong Động, ở khu trung tâm có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng nước chảy suốt ngày đêm, trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: cây Ngô Đồng, Tiên Ông, Sư Tử, Voi…

Thành Nhà Mạc

thanh-nha-mac.jpg
Thành nhà Mạc, Lạng Sơn.

Thành Nhà Mạc nằm trong khu vực phường Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn, là di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam. Theo những tư liệu còn lại thì thành là một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam đo Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI làm căn cứ chống lại Lê – Trịnh. Dấu tích hiện nay còn lại gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, tuy được gia cố, trùng tu, nhưng vẫn giữ được dấu vết hoang phế điêu tàn, để khi đứng trong bóng tịch dương nhìn ngắm phong cảnh có một chút bâng khuâng nghĩ về lối xưa xe ngựa. Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút, nhỏ bé lại. Lên đến nơi thấy khung cảnh thật thoáng đãng. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa của cuộc đất, trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi, quần sơn nối tiếp trùng trùng điệp điệp. Những đoạn thành đứt quãng không đều nhau, cao thấp không bằng nhau, mặt đá phủ rêu màu đen pha một chút xám. Đất bên dưới thì màu đỏ sậm lẫn một ít sạn sỏi nhỏ.

Chùa Tiên - Giếng Tiên

chua-tien.jpg
Đường lên Chùa Tiên.

Hang động chùa Tiên và Giếng Tiên: Cách cầu Kỳ cùng khoảng nửa cây số, trên đường đi Mai Pha, có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng. Đó là núi đại tượng, nơi đây có động Chùa Tiên, là một trong bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ đã ghi nhận. Động Chùa Tiên Nằm ngang chừng núi, lối lên có 64 bậc, cửa phụ quay về hướng đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ thu thuỷ. Chùa Tiên phối thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, có bố cục kiểu “tiền Phật hậu Thánh” gồm cung tam bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở phía trong. Nơi đây còn lưu giữ một hệ thống văn bia phong phú của các văn nhân, thi sĩ, trong đó có bài “Trấn doanh bát cảnh” do Ngô Thì Sỹ cảm tác ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên xứ Lạng. Hàng năm chùa Tiên mở hội ngày 18 tháng Giêng âm lịch, cùng với chùa Nhị Thanh – Tam Giáo (15 – 17 tháng Giêng âm lịch) và Tam Thanh (15 tháng Giêng âm lịch) tạo nên một dịp trẩy hội đông vui. Đằng sau núi Voi – Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm.

Đền Kỳ Cùng

den-ky-cung.jpg
Đền Kỳ Cùng Lạng Sơn.

Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa. Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ. Sở dĩ như vậy là vì theo sử sách chép lại, ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi nay. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọt trắng xóa, trào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại. Ngày nay Cầu Kỳ Cùng được xây ở ngay cạnh bến đá, nối hai bờ Bắc và Nam sông Kỳ Cùng, chia Thành phố Lạng Sơn thành hai khu vực, bên bờ Bắc là nơi sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của nhân dân thành phố Lạng Sơn, bên bờ nam là khu vực tập trung các cơ quan hành chính của Lạng Sơn.

Ải Chi Lăng

ai-chi-lang.jpg
Ải Chi Lăng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Tiếp đến lại là một địa danh sử oanh liệt của dân tộc ta - Ải Chi Lăng. Đến Ải Chi Lăng là tìm về sự thuần khiết, hoang sơ của núi rừng. Ải Chi Lăng đứng sừng sững giữa muôn trùng vách đá, là điểm nhấn trong bức tranh sơn thuỷ hữu tình của Lạng Sơn. Nơi đây thực sự thích hợp cho những ai yêu thích lịch sử, khảo cổ vì nó mang trong mình những giá trị thời gian: những mảnh gốm, vật dụng bằng đá,... nhiều lần được tìm thấy, là minh chứng sắc nét cho một nền văn minh cổ đại vô cùng nổi trội đã từng tồn tại nơi đây.

Núi Tô Thị

to-thi.jpg
Núi Tô Thị, Lạng Sơn.

Nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh, Nhị Thanh. Gắn liền với truyền thuyết thuỷ chung của nàng Tô Thị, theo năm tháng đây cũng trở thành nơi tín ngưỡng thờ cũng của người dân nơi đây

Phố Kỳ Lừa

pho-ky-lua.jpg
Phố Kỳ Lừa về đêm.

Làm sao bỏ qua được Phố Kỳ Lừa nổi tiếng trong bao câu cao dao tục ngữ. Phố Kỳ Lừa nằm gần cửa khẩu Đồng Đăng, là địa danh “danh bất hư truyền” khi đến xứ Lạng mà bạn nhất định phải ghé thăm. Nơi đây là khu mua bán sầm uất với đầy đủ các mặt hàng, mang trong mình hơi thở đặc trưng của con người xứ Lạng. Đây cũng là nơi thấm nhuần văn hoá bản địa, vì thế tham quan phố Kỳ Lừa làm để nhìn thấy các giá trị lâu đời giao thoa với giao thương hiện đại.

Chợ đêm Kỳ Lừa

Chợ Đêm Kỳ Lừa mở cửa từ 8h đến 23h chuyên bán các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch, không chỉ thuần túy là nơi giao lưu trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ kết bạn thể hiện bằng những nét văn hóa cổ truyền một cách sống động. Chợ mang đậm bản sắc miền biên cương sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách khi đến với Lạng Sơn.

Đỉnh Mẫu Sơn

tuyet-roi-tren-dinh-mau-son.jpg
Định Mẫu Sơn xuất hiện tuyết rơi cực kì lãng mạn.

Thực sự thiếu sót nếu không nhắc đến tuyệt kỹ phong sắc Mẫu Sơn khi du lịch Lạng Sơn. Mẫu Sơn là biểu tượng tiêu biểu cho du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực này, với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh sắc luân phiên theo mùa, nằm tách biệt với sự ồn ào náo nhiệt của phố thị. Đặc biệt nhất,với độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, vào mùa Đông, định Mẫu Sơn thi thoảng sẽ xuất hiện tuyết rơi cực kì lãng mạn và ấn tượng.

Cột cờ Phai Vệ

cot-co.jpg
Núi Phai Vệ - Một vạn lý trường thành thu nhỏ Việt Nam.

Đây là một điểm đến lý thú mà du khách sẽ được một lần nữa đi từ bất ngờ này đến bất nhờ khác. Mặc dù mới được xây dựng nhưng có thể nói đây là công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn, cột cờ nằm ngay tại trung tâm thành phố Lạng Sơn, đứng trên đây bạn có thể thấy được toàn cảnh thành phố, ngắm nhìn thành phố lúc về đêm huyền ảo nhiều màu sắc.

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

cua-jkhaaru.jpg
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đây là điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117, đây đều là các cột mốc cỡ lớn, có gắn Quốc huy của hai nước. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía Bắc.

Nên đến Lạng Sơn thời điểm nào?

Du lịch Lạng Sơn bất kỳ vào mùa nào trong năm cũng có những nét thú vị riêng độc đáo. Bạn nên chọn thời gian cho chuyến đi của mình phù hợp với sở thích bản thân.

lang-son-mua-nbafo-dep.jpg
Lạng Sơn là điểm đến thu hút rất nhiều du khách.

Nếu muốn thư giãn, nghỉ ngơi đơn thuần, bạn có thể đến Lạng Sơn vào những ngày hè. Du lịch Lạng Sơn vào mùa đông, bạn lại có cơ hội ngắm cảnh tuyết rơi trắng xóa. Nếu muốn tìm hiểu những lễ hội văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại tỉnh Lạng Sơn như lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa, lễ hội chùa Tam Thanh… thì tháng Giêng là thời điểm thích hợp cho chuyến đi của bạn.

Linh Chi