Chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 17:00, 07/11/2022

Nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng từ khi thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng ngày càng hoàn thiện về hoạt động bảo vệ môi trường.
bao-ve-moi-truong.jpg
Ảnh minh họa.

Bảo vệ môi trường (BVMT) đang là một trong những vấn đề thách thức lớn của toàn cầu, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các nước trên thế giới. Xác định rõ tầm quan trọng của BVMT, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Trong nhiều năm qua, hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng về BVMT của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt.

Từ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX ban hành về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT… đến văn kiện các kỳ Đại hội Đảng IX, X, XI, XII và đặc biệt là Đại hội XIII đều đã khẳng định, lấy BVMT sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…

Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác BVMT, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác BVMT với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

Các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó:

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư;

Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.

Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội.

Ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường

Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định chi tiết danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ. Theo đó, có 3 nhóm: Dự án đầu tư ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; Doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường; Hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh.

Đối với nhóm dự án đầu tư ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải, Nghị định 08/NĐ-CP quy định 4 lĩnh vực gồm: Xử lý và tiêu hủy chất thải rắn (rác thải); Thu gom chất thải rắn (rác thải); Thu gom, xử lý nước thải; Tái chế hoặc tái sử dụng chất thải.

Doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm doanh nghiệp, bao gồm: Cung cấp công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, công nghệ tiết kiệm năng lược được đánh giá hoặc thẩm định hoặc có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; Cung cấp dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt, đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dịch vụ quan trắc môi trường xung quanh; Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thiết bị quan trắc môi trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị xử lý nước thải tại chỗ cho cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được Bộ TN&MT cấp chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam; Sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải đáp ứng các quy định của pháp luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; doanh nghiệp sản xuất phương tiện giao thông công cộng (trừ phương tiện công cộng sử dụng dầu), sản xuất phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải, dịch vụ vận tải công cộng sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo cũng được hỗ trợ.

Đối với hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp được hỗ trợ khi thực hiện đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp công trình xử lý chất thải để thực hiện lộ trình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có sớm hơn lộ trình đối với các trường hợp phải áp dụng hoặc tự nguyện áp dụng; hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục sớm hơn lộ trình.

Các hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh khác cũng được hỗ trợ gồm: Di dời hộ gia đình ra khỏi khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp; Di dời cơ sở đang hoạt động để đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường hoặc thực hiện lộ trình do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định về bảo vệ môi trường; Đầu tư phát triển vốn tự nhiên có khả năng tái tạo, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ di sản thiên nhiên; Xử lý cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Các doanh nghiệp hoạt động thuộc danh mục này sẽ được ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường các tỉnh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; được ưu đãi về thuế, phí và lệ phí, hỗ trợ về đất đai.

Riêng đối với doanh nghiệp xử lý và tiêu hủy chất thải rắn nếu áp dụng công nghệ xử lý chất thải có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 30% tính trên tổng lượng chất thải rắn thu gom thì được vay vốn tại Quỹ Bảo vệ môi trường với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 80% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư từ nguồn chênh lệch thu chi hàng năm.

Riêng 3 nhóm dịch vụ: thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung; Dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân; Dịch vụ vận tải công cộng, trừ dịch vụ sử dụng phương tiện giao thông công cộng sử dụng dầu được trợ giá sản phẩm, dịch vụ.

Quang Lâm