Hội nghị COP27: Thế giới vừa trải qua 8 năm liên tiếp nóng nhất trong lịch sử

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 08/11/2022

Công bố tại sự kiện khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của LHQ ở Ai Cập ngày 6/11, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo rằng hành tinh của chúng ta đang trên đà tiến tới điểm giới hạn khiến biến đổi khí hậu trở nên không thể đảo ngược.

Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc ở Ai Cập hôm 6-11. Hội nghị sẽ kéo dài 2 tuần (ngày 6 đến ngày 18-11).

Tại lễ khai mạc, LHQ đã đưa ra báo cáo mới cho thấy trái đất đang chìm sâu vào cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng với 8 năm nóng nhất lịch sử.

Cụ thể, báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu" thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có đoạn nêu rõ nhiệt độ mỗi năm trong 8 năm trở lại đây (tính cả năm 2022 dựa trên những dự báo hiện có) ấm hơn bất kỳ năm nào trong giai đoạn trước năm 2015, theo tờ The Guardian.

WMO nhấn mạnh tình trạng nhiệt độ tăng cao đang khiến tất cả các hiện tượng gồm nước biển dâng, băng tan, mưa lớn, sóng nhiệt (những thảm họa chết người do biến đổi khí hậu gây ra) đều xuất hiện thường xuyên hơn với mức độ nghiêm trọng hơn.

thoi-tiet.jpg
Phần lớn châu Âu đã phải đối mặt với những đợt nắng nóng cực đoan và cháy rừng dữ dội vào mùa hè qua

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết "Những dấu hiệu và tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn", bằng chứng là việc khí hậu ấm lên đang đẩy nhanh tốc độ tan chảy của các dòng sông băng vốn không thể phục hồi, đe dọa đến an ninh nguồn nước và làm tăng mực nước biển. Có thể thấy được mức tăng nước biển trong hai năm rưỡi qua đã chiếm đến 10% tổng mức tăng của mực nước biển mà kể từ khi các phương pháp đo bằng vệ tinh xuất hiện vào gần ba thập kỷ trước.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết trong một tuyên bố rằng nếu như mực nước biển dâng hiện được đo bằng "milimét mỗi năm" thì con số này sẽ tăng thêm "nửa đến 1 mét" mỗi thế kỷ. Đây thực sự là mối đe dọa lâu dài và to lớn đối với hàng triệu cư dân ven biển và các bang thuộc vùng trũng.

Báo cáo cũng cho thấy nồng độ của các khí nhà kính như carbon dioxide, methane và nitrous oxide một lần nữa đạt mức cao mới vào năm 2021. Trong đó, Methane, được chú ý hơn cả là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, đã có mức nồng độ tăng hàng năm cao nhất cho đến nay.

Taalas cho biết: “Khí hậu càng ấm lên thì ảnh hưởng của nó đối với nhân loại ngày càng lớn. Thực tế cho thấy rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cầu trong năm nay, từ lũ lụt ở Pakistan đến hạn hán ở châu Phi và các đợt nắng nóng trên khắp châu Âu và Trung Quốc.”

Không chỉ vậy, một trận chiến nảy lửa cũng xảy ra tại COP27 là cuộc tranh cãi lâu dài về việc liệu các nước công nghiệp giàu có, ngoài việc cắt giảm khí thải thì các quốc gia này có phải đền bù cho các quốc gia nghèo hơn về những thiệt hại mà họ đã gây ra trong lịch sử hay không? Hôm chủ nhật, các đại biểu đã lần đầu tiên đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự kể từ khi các cuộc đàm phán về khí hậu bắt đầu cách đây nhiều thập kỷ.

Minh Lâm