Bồi thường biến đổi khí hậu - Vấn đề nóng tại COP 27
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:35, 08/11/2022
Bồi thường biến đổi khí hậu cho nước nghèo
Sau khi chính thức khai mạc vào 6/11, hội nghị thượng đỉnh COP27 với sự tham gia của các đại biểu từ gần 200 quốc gia tại thị trấn nghỉ mát Sharm el-Sheikh ở Biển Đỏ của Ai Cập để thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Vấn đề hỗ trợ tài chính cho việc giải quyết khủng hoảng khí hậu như thường lệ vẫn là một vấn đề đóng vai trò trọng yếu.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đang phải đưa ra các lựa chọn cho nhiều ưu tiên khác nhau trong năm 2022 đầy biến động, tuy nhiên thế giới đang sắp bỏ lỡ cột mốc kiểm soát giới hạn tăng 1,5 độ C.
Là một giới hạn được quy định trong Thỏa thuận Paris năm 2015, mức giới hạn 1,5 độ C được công nhận là một mục tiêu toàn cầu quan trọng. Nguyên nhân là do chỉ cần vượt qua mức này, những thay đổi nhỏ có thể dẫn tới những thay đổi lớn không thể lường được trong hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái Đất.
Các quốc gia tới tham dự hội nghị COP27 tại Ai Cập cũng đang tìm kiếm một dấu hiệu chắc chắn rằng cam kết tài trợ 100 tỷ USD của các quốc gia giàu có nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp giảm thiểu và thích ứng với tình trạng khẩn cấp về khí hậu sẽ được giải ngân trên thực tế.
Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc Simon Stiell hôm 6/11 cũng nhấn mạnh gấp đôi sự cần thiết của các quốc gia có thu nhập cao, trong hỗ trợ tài chính cho các quốc gia ở tuyến đầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Việc thúc đẩy cam kết tài chính 100 tỷ USD được thực hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi các nước giàu bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương bởi khí hậu trên một hành tinh đang ngày càng nóng lên. Đây cũng là lần đầu tiên chủ đề về tổn thất và thiệt hại tài chính chính thức được đưa vào chương trình nghị sự của COP27, kể từ khi nó được nêu ra bởi các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu 30 năm trước.
Còn được gọi là các khoản thanh toán “tổn thất và thiệt hại”, cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD được cho là sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán COP27. Các khoản thanh toán này đề cập đến những tác động tàn phá của cuộc khủng hoảng khí hậu mà các quốc gia không thể chống lại bởi rủi ro là không thể tránh khỏi hoặc họ không có khả năng chi trả.
Tuy nhiên theo CNBC trích dẫn lời ông Sameh Shouskry – chủ tịch COP27 năm nay – việc huy động các nguồn lực hiện tại đang đặt ra nhiều câu hỏi khi cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD từ năm 2009 vẫn chưa được thực hiện. Trên hết, nguồn tài chính hiện có cũng chỉ tập trung vào việc hạn chế phát thải chứ không phải vào các nỗ lực thích ứng.
Hầu hết nguồn tài chính hiện cũng đang dựa trên các khoản vay. Như một kết quả tất yếu, các quốc gia thu nhập thấp vốn đang phải gánh nhiều khoản nợ, đang gia tăng các lời kêu gọi chuyển sang nguồn tài chính viện trợ thay vì càng nhiều khoản vay hơn nữa. Trước tình hình này, ông Shoukry khẳng định thế giới phải thay đổi cách tiếp cận.
Các nhận xét của ông Shoukry theo sau một loạt các báo cáo gay gắt từ Liên Hợp Quốc và Tổ chức Khí tượng Thế giới trong những ngày gần đây.
Cụ thể, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc vào cuối tháng trước cho biết rằng thế giới hiện không có con đường đáng tin cậy nào giúp hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng thêm 1,5 độ C. Một báo cáo riêng biệt của Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo thế giới “không đạt được bất cứ mục tiêu nào” nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính với ước tính nhiệt độ thế giới sẽ tăng 2,5 độ C.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO cho biết lượng carbon dioxide, methane và nitrous oxide trong bầu khí quyển của Trái Đất – 3 khí nhà kính mạnh - đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Cơ hội nào cho Việt Nam
Theo Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển do Ngân hàng Thế giới thực hiện và công bố vào tháng 7/2022, những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho thấy Việt Nam đang phải chịu cái giá đắt từ biến đổi khí hậu.
Báo cáo đã chỉ ra rằng Việt Nam đã mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu và Việt Nam cũng là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, kết quả chuyển đổi kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên – trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, đã từng giúp thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông. Điều này đã khiến Việt Nam được xếp vào là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng.
Tính đến năm 2040 cần đầu tư 368 tỷ USD để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. 300 địa phương ven biển có nguy cơ lũ lụt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giảm tính cạnh tranh.
Với vị thế là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Đồng bằng Sông Cửu Long – nơi sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lúa cùng với đó, 50% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sinh sống của 17 triệu người lại đang có nguy cơ ngập lụt vì mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy hải sản.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, để xây dựng khả năng chống chịu sẽ không hề rẻ. Tổng nhu cầu tài chính cho Việt Nam ước tính khoảng 254 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040 (hay khoảng 4,7% GDP mỗi năm), bao gồm khoảng 219 tỷ USD để nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng, cộng với 35 tỷ USD cho các chương trình xã hội.
Hành trình khử carbon sẽ đưa Việt Nam tiến tới mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050. Để đạt được phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam sẽ phải đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực đang là nguồn phát thải chính gồm năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.
Để đạt mục tiêu trên, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Các cam kết của Chính phủ có thể và cần được củng cố bằng sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn lực tài chính nước ngoài, nhà nước và tư nhân.
Trong lộ trình khử carbon, tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn 2022 – 2040 lên tới 114 tỷ USD (hay 2,1% GDP/năm), chủ yếu để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng (khoảng 64 tỷ USD đầu tư mới vào năng lượng tái tạo và để bù đắp cho các tài sản bị mắc kẹt), một phần cho công nghiệp, giao thông và nông nghiệp (17 tỷ USD) và các chương trình hỗ trợ xã hội (33 tỷ USD).
Trước những thiệt hại to lớn từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang cần một nguồn tài chính rất lớn để có thể triển khai các giải pháp ứng phó và chống chịu một cách hiệu quả.
Giáo sư Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về Biến đổi khí hậu nhận định: “Với việc Hội nghị COP 27 đưa ra vấn đề bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nếu được thông qua đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam để có thể thu hút được các nguồn tài chính từ quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu”.