Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:34, 28/05/2022

Moitruong.net.vn – 28/5, tại Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học; top 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

“Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Theo Bộ trưởng, trước hết, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.

Cùng với đó, tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước.

Đặc biệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân. Tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất…

Tại buổi lễ, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Trái đất đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp với ba vấn đề lớn là khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; nhiều loài hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng; và tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước.

Bà Caitlin Wiesen lưu ý, trong thời gian tới, Việt Nam cần một “công cuộc đổi mới” về môi trường và khí hậu, để có được sự phục hồi kinh tế xanh và bao trùm sau đại dịch Covid-19 trong tiến trình nỗ lực để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045 đồng thời vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên và môi trường cho thế hệ tương lai.

Để bảo đảm phát triển kinh tế nhanh mà vẫn giữ được nguồn tài nguyên, môi trường cho thế hệ tương lai, bà Caitlin Wiesen đưa ra 4 khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện.

Thứ nhất, chuyển đổi năng lượng công bằng do tốc độ phát triển nhanh về kinh tế có thể dẫn tới các hệ lụy môi trường. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Phát triển nguồn tài nguyên này sẽ giúp cung cấp năng lượng bền vững cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và chuyển đổi nhiều ngành kinh tế khác sang hướng phát triển xanh.

Tuy nhiên, có một số trở ngại đối với quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, chẳng hạn khung pháp lý cho ngành điện (gồm cả việc định giá điện); hệ thống truyền tải; thị trường khu vực và bảo đảm tài chính.

Thứ hai, phát triển kinh tế đại dương. Bằng cách chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, xanh hóa hàng hải, cảng biển để phát triển du lịch gắn liền với quy hoạch không gian biển, khai thác các nguồn tài nguyên bền vững.

Thứ ba, tăng cường hợp tác toàn cầu. Nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tiến trình hướng tới có một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế, ngăn ngừa và giảm tác động môi trường của loại ô nhiễm này.

Thứ tư, Việt Nam cần bảo đảm nguồn tài chính dài hạn cho các chương trình giảm thiểu carbon. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã đổi mới chính sách để đạt được mục tiêu này, bao gồm sự tham gia của các ngân hàng phát triển quốc gia, các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp.

Ngay sau lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, đại diện UNDP tại Việt Nam và lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tỉnh Quảng Ninh đã tham gia thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản; trồng cây tại Rừng ngập mặn Đồng Rui, huyện Tiên Yên.

Hoàng Anh

Hoàng Anh