Đắk Lắk thêm 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore

Y tế - Ngày đăng : 16:00, 09/11/2022

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, ngày 9/11 vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
vk-an-thit-nguoi.jpg
Ảnh minh họa.

Theo đó, ngày 10/10, bệnh nhân nữ là B.T.H, (SN 1982, trú tại huyện Krông Pắk) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với biểu hiện đau bụng dữ dội. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp xe lá lách nên được bác sĩ tiến hành phẫu thuật điều trị.

Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân vẫn tiếp tục có biểu hiện đau bụng không khỏi nên ngày 31/10, bệnh nhân nhập viện khám lại.

Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2 và hiện đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo BS. Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi trùng có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei gây ra, trong đó có thể gây loét và hoại tử nên người dân hay gọi đây là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người", thực chất là do vi khuẩn tiết ra độc chất làm hoại tử các tổ chức.

Được biết, đây là trường hợp thứ 3 mắc bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trước đó đã có 2 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Ea Súp và Cư Kuin.

Phòng tránh vi khuẩn ăn thịt người

Vi khuẩn ăn thịt người xuất hiện nhiều ở các vùng nước bị ô nhiễm, chúng phát triển mạnh mẽ trong môi trường có độ ẩm cao, đặc biệt là Vibrio vulnificus – nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm cân mạc hoại tử. Loài vi khuẩn này sống nhiều ở vùng nước biển ấm. Hầu hết, những người có sức khỏe tốt sẽ không bị viêm cân mạc hoại tử khi tiếp xúc với Vibrio vulnificus. Tuy nhiên, nhóm đối tượng dưới đây lại có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus khi có vết xước hoặc vết cắt nhỏ, bị suy giảm hệ miễn dịch,…

Hiện y học vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng vi khuẩn ăn thịt người hay bệnh viêm cân mạc hoại tử. Để phòng tránh bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, người dân nên áp dụng các biện pháp sau đây:

Xử lý vết thương nhanh chóng: Khi bị thương hãy nhanh chóng xử lý vết thương bằng cách cầm máu, rửa sạch vết thương bằng vòi nước và thấm khô bằng khăn sạch.

Luôn giữ cho vết thương sạch và khô ráo: Khi vết thương đã được cầm máu và rửa sạch, hãy băng vết thương bằng băng vô trùng như gạc y tế, băng dán cá nhân. Thay băng nếu vết thương bị ướt hoặc bẩn.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm hoặc gel rửa tay có chứa cồn. Việc rửa tay bằng xà phòng và nước ấm vẫn là cách để giữ bàn tay sạch hiệu quả nhất.

Nếu bạn có tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người hãy đến ngay cơ sở y tế để làm một số xét nghiệm, có thể bạn sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.

Hãy rửa tay và chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc vùng đất hoặc nước bẩn.

Hãy giữ cho làn da luôn khỏe mạnh, tránh những vấn đề gây tổn thương cho da như nấm da, chàm, khô, nứt nẻ,…

Nếu bạn có các vấn đề như suy giảm hệ miễn dịch, suy gan, tiểu đường thì hãy hạn chế tiếp xúc với nước ở sông, biển, hồ, ao, hay vũng nước trên đường,..

Nếu có vết thương hở nên tránh tiếp xúc với nước.

Khi làm việc phải tiếp xúc với nước và bùn đất nên mang ủng và găng tay dài để bảo vệ da.

Minh Minh