Làm sao để hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây?

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 17:37, 09/11/2022

GS.TS Trần Đức Hạ và PGS.TS Vũ Thành Ca đều cho rằng nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt là do nước hồ Tây bị ô nhiễm.
Làm sao để hạn chế tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây?

Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về tình trạng cá chết xảy ra thời gian gần đây tại hồ Tây. Đáng chú ý, quan trắc nước hồ Tây cho thấy, nhiều chỉ số vượt quy chuẩn cho phép.

Theo nhận xét sơ bộ của liên ngành, hiện tượng cá chết ở hồ Tây do nhiều nguyên nhân. Ý kiến của Sở TN&MT nêu về hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; ý kiến của Sở NN&PTNT nêu về khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo gây ra), cá bị bệnh,... Hiện tượng cá chết tại hồ Tây cần có khảo sát thêm, lấy mẫu để đánh giá cụ thể hơn.

W_ho-tay-1-.jpg
Cá chết và rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối ở hồ Tây

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Vũ Thành Ca, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng: Nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do hồ Tây quá ô nhiễm trong điều kiện thời tiết đặc biệt. Thông thường vào những thời điểm giao mùa, khoảng tháng 9, tháng 10 do mặt trời ở phía nam bán cầu cho nên lượng ánh nắng mặt trời vào ban ngày xuống mặt đất và mặt nước ít. Ban đêm, mặt hồ và mặt đất bị lạnh đi rất nhanh, khiến lớp không khí bên dưới lạnh hơn, tạo nên hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng nghịch nhiệt sẽ ngăn cản oxy trao đổi giữa lớp không khí sát mặt hồ và lớp không khí bên trên. Vào các đêm nghịch nhiệt, quá trình phân hủy hữu cơ từ nước thải chưa qua xử lý và hô hấp của tảo phù du trong hồ nhanh chóng làm cạn kiệt oxy trong nước. Lượng oxy trong lớp không khí sát mặt hồ cũng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt do các lớp không khí bên trên không thể tiếp tục khuếch tán oxy vào nước. Kết quả là hiện tượng cạn kiệt oxy sẽ xảy ra trong toàn bộ cột nước, làm cá chết hàng loạt.

“Nếu muốn tìm nguyên nhân khiến cá chết tại hồ Tây thì phải đo nồng độ oxy vào ban đêm, từ khoảng nửa đêm về sáng. Theo kết quả đo ban ngày của liên ngành TP.Hà Nội thì ta thấy là nồng độ oxy vẫn đảm bảo, nhưng nếu kết luận nồng độ oxy đảm bảo mà cá vẫn chết là không đúng. Trong tất cả các trường hợp xảy ra chết cá hàng loạt trên thế giới, người ta kết luận là do cạn kiệt oxy”, PGS.TS Vũ Thành Ca nhấn mạnh.

W_ho-tay-2-.jpg
Tình trạng cá chết gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực xã hội

Đáng nói, đây không phải là lần đầu, cá hồ Tây chết hàng loạt như vậy. Trong những năm qua, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này nhưng có lẽ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Theo GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Nghiên cứu cấp thoát nước, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt là do chất lượng nước hồ Tây không đảm bảo. Để khắc phục vấn đề này, thành phố Hà Nội cần có giải pháp tổng hợp. Có ba giải pháp căn cơ nhất, thứ nhất, phải nhanh chóng cống hóa mương Thụy Khuê, để tách toàn bộ nước thải và nước mưa về hệ thống xử lý, không đổ xuống hồ Tây nữa. Thứ hai, phải nạo vét hồ Tây, vì từ nhiều năm nay hồ Tây không được nạo vét dẫn đến lượng bùn đất, trầm tích rất dày. Thứ ba, tăng cường chế độ động, giúp nước được lưu thông, đồng thời bổ sung nước sạch cho hồ Tây. Ngoài ra, là các giải pháp đồng bộ khác thì mới có thể cải thiện chất lượng nước hồ Tây, đưa hồ Tây trở về môi trường nước trong sạch đẹp, là trung tâm sinh thái, văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Giải quyết được tình trạng cá chết ở các hồ không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện mỹ quan đô thị mà còn tránh lãng phí nguồn lực khi phải thu gom lượng xác cá lớn như thời gian vừa qua.

Thế Đoàn