Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị (Bài 2): Nguyên nhân nào dẫn đến các vụ hỏa hoạn thương tâm thời gian vừa qua?
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:00, 24/05/2022
Nguyên nhân chủ quan
Người dân còn chủ quan lơ là
Theo Công an thành phố Hà Nội, diện tích đám cháy tại Khu B9 Kim Liên chỉ khoảng 10m2 (bằng 1/3 diện tích sàn tầng 1) tại ngôi nhà ống 3 tầng. Những thứ bị cháy cũng đơn giản như gỗ ván, nhựa, xe máy… nhưng với cấu tạo của nhà ống, khi cháy ở dưới tầng 1 thì khói bốc lên các tầng trên, nếu không có kỹ năng thoát hiểm thì người ở trong nhà dễ tử vong.
Cũng phải nói thêm, trong trường hợp có kỹ năng nhưng nhà không có lối thoát hiểm, nguy cơ bị ngạt khói nhiễm khí độc dẫn đến tử vong rất cao.
Tại nhiều chung cư cũ ở Hà Nội đang có tình trạng nhiều hộ dân cơi nới thêm chỗ ở theo dạng “chuồng cọp” nên không có chỗ thoát hiểm. Tức là gia chủ dùng những lan sắt làm thành khung, hộp gắn vào tường nhà, sau đó đưa những tấm ván gỗ hoặc thanh sắt lớn lát xuống sàn để gia tăng diện tích chỗ ở, chỗ sinh hoạt. Nhưng chính những diện tích cơi nới này đã bịt lối thoát hiểm của mỗi căn hộ chung cư.
Vì thế, khi cháy, người trong căn hộ khó thoát ra, còn lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để có thể phá “chuồng cọp,” tiếp cận được vào trong nhà cứu các nạn nhân đang mắc kẹt.
Hiện trường vụ cháy khu tập thể Kim Liên, Hà Nội.
Thực tế cho thấy các “chuồng cọp” càng kiên cố bao nhiêu thì rủi ro cho chủ nhà càng tăng bấy nhiêu, gây ra hậu quả đau lòng trong các vụ cháy ở Hà Nội thời gian qua.
Trước đó, tại quận Đống Đa, vào khoảng 12 giờ 45 phút ngày 4/2, tại một phòng trọ ở ngõ 73, phố Tam Khương, phường Khương Thượng đã xảy ra vụ cháy làm 4 thanh niên tử vong.
Theo diễn biến vụ việc, do là dịp cuối năm nên cả 4 thanh niên thuê trọ cùng tổ chức cúng ông Công ông Táo. Sau khi hóa vàng và ăn uống xong, một người ra ngoài uống nước và có khóa cổng khu trọ lại; 4 người khác đi ngủ.
Chỉ trong khoảnh khắc, tàn tro bay vào trong nhà, đúng vị trí vật dụng dễ cháy và ngọn lửa bùng lên. Khi đó, 4 người bên trong không thoát kịp vì không có lối thoát, khi cổng khu nhà trọ đã bị khóa từ trước đó, dẫn tới tử vong do ngạt khói và khí độc.
Thờ ơ với công tác phòng, chống cháy nổ
Theo Công an thành phố Hà Nội, công tác phòng cháy luôn phải đặt lên hàng đầu. Mỗi khi xảy ra cháy, nếu may mắn không gây tử vong về người thì đồ vật cũng bị hư hại nghiêm trọng. Do đó, ý thức, trách nhiệm phòng ngừa hỏa hoạn là điều khẩn thiết phải được nâng cao.
Công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, thậm chí xử lý vi phạm nguyên tắc phòng cháy cũng cần được đẩy mạnh, thường xuyên và quyết liệt hơn nữa.
Trong thời gian qua, những nội dung trên đã được Công an thành phố cùng nhiều cấp ngành triển khai nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều người dân vẫn thờ ơ với công tác phòng, chống cháy nổ.
Để ngăn ngừa những vụ việc đau lòng, đại diện Ủy ban Nhân dân phường Kim Liên cho hay thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền vận động người dân tự phá dỡ các “chuồng cọp,” mỗi căn hộ cần phải mở lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn cháy nổ. Dù chung cư, tập thể cũ có nhiều vấn đề tồn tại nhưng vì an toàn, mọi người cần chung tay đồng lòng.
Còn theo một vị lãnh đạo quận nội đô, ngay sau vụ cháy ở phường Kim Liên, quận đã chỉ đạo các phường trên địa bàn có chung cư cũ, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ tại các khu ở. Người dân cần quan tâm đến các điểm đấu nối điện nguy cơ chập cháy và tuyệt đối không được đốt vàng mã trong các căn hộ, đun nấu ở hành lang chung cư…
Hiện trường vụ cháy dãy cửa hàng trên đường Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là quán karaoke, quận giao lực lượng công an tiến hành kiểm tra, rà soát các điều kiện về phòng, chống cháy nổ. Trong trường hợp thiếu các thủ tục liên quan, các cơ quan chức năng kiên quyết không cho mở cửa để hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc từ cháy nổ.
Bên cạnh những địa phương quan tâm, đâu đó còn có hiện tượng lơ là trong phòng, chống “hỏa tặc.” Có nhiều quán karaoke, quán bar chưa đủ các điều kiện phòng, chống cháy nổ vẫn hoạt động trước sự “châm trước” của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Dư luận cho rằng nếu xem nhẹ công tác phòng, chống “bà hỏa” thì những câu chuyện đau lòng về cháy sẽ còn kéo dài.
Vì vậy, trong công tác phòng, chống cháy nổ, ngay lúc này, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình hãy thay đổi nhận thức, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa cho mình và người thân.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn vi phạm ngay từ khi chủ đầu tư triển khai hệ thống phòng cháy, chữa cháy và trong suốt quá trình vận hành. Những chung cư vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy cần được gắn trách nhiệm liên đới với cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân công phụ trách địa bàn, tránh việc đổ trách nhiệm chung chung, hạn chế các vụ cháy xảy ra từ nguyên nhân cũ nhưng để lại nỗi đau mới.
Nguyên nhân khách quan
Thời tiết
Nước ta sắp bước vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm. Ở một số nơi, nhiệt độ mùa hè được dự báo nắng nóng gay gắt lên tới 39-41 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời lên tới 50 độ C. Mọi người đều ở nhà tránh nắng, do đó nhu cầu sử dụng điện năng ở mức rất cao. Tiềm ẩn trong đó rất nhiều nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và cháy nổ.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng được ví như chất xúc tác cho các vụ cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn trong thời điểm này, đám cháy có thể bùng nổ dữ dội hơn. Gây khó khăn cho các lực lượng chức năng thực hiện công tác dập tắt đám cháy.
Điển hình là trong vụ cháy của một cửa hàng buôn bán xe đạp tại thị xã Hoài Nhơn, Bình Định. Lửa cháy dữ dội từ nhà kho, sau đó nhanh chóng lan ra cả ngôi nhà. Khi các lực lượng phòng cháy chữa cháy có mặt tại hiện trường, nhưng do trời nắng nóng, cửa hàng đã nhanh chóng bị thiêu rụi. Được biết thời tiết tại thị xã Hoài Nhơn nắng gay gắt kéo dài, có nơi đạt 40 độ C nên đám cháy càng bùng phát mạnh và chỉ hơn một giờ đã thiêu rụi toàn bộ cửa hàng, gây thiệt hại ước tính ban đầu hơn 1 tỉ đồng.
Do nguồn điện
Phần lớn nguyên nhân của các vụ cháy nổ xảy ra đều do chập cháy nguồn điện. Chủ yếu là do sử dụng điện năng quá tải gây ra chập cháy hệ thống điện. Đặc biệt, tại thời điểm nắng nóng gay gắt, nhà nhà người người đều sử dụng các thiết bị làm mát, tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn.
Hộ gia đình kết hợp với kinh doanh
Một số vụ cháy xảy ra gần đây là hộ gia đình kết hợp với kinh doanh. Trong vụ cháy căn nhà trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, Quận 11, Tp Hồ Chí Minh khiến 8 người tử vong. Nguyên nhân là do gia đình sản xuất sáp đèn cầy trái phép trực tiếp tại nhà.
Lửa bùng lên tại căn nhà ba tầng sản xuất nến trong hẻm ở phường 1, quận 11 khiến 8 người chết.
Hay các hoạt động kinh doanh: Tiệm tạp hóa, phòng trà,… cũng là nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Đây là nơi có nhiều đồ đạc, bàn ghế, hàng hóa… Chỉ cần xuất hiện một ngọn lửa nhỏ, đám cháy nhanh chóng bùng lên lớn. Ngoài ra, những hộ gia đình kết hợp với kinh doanh thường rất khó thoát nạn khi đám cháy xảy ra. Do họ thường sử dụng tầng 1,2 làm nơi buôn bán, sản xuất, khiến lối đi bị cản trở bởi nhiều đồ đạc, hàng hóa trưng bày.
Thiết kế của ngôi nhà
Chỉ cần đi dọc con phố ở bất kỳ đâu, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, có kết cấu dạng ống. Các ban công, cửa sổ nhà được người dân quây khung sắt bảo vệ. Với mục đích bảo vệ trẻ nhỏ trong gia đình hay phòng chống trộm cắp đột nhập. Do đó, khi đám cháy xảy ra, người dân chỉ còn duy nhất lối cửa chính để thoát hiểm. Đại đa số các ngôi nhà ở những thành phố lớn có diện tích rất hạn chế, vậy nên việc xây thêm cửa hông thoát hiểm là không thể nào. Đây cũng là nguyên nhân của các vụ cháy nổ thương tâm thời gian gần đây.
Không kể đến, ở những khu dân cư đông đúc, có những hộ dân tận sâu trong hẻm nhỏ, lối đi chưa đến 1 mét. Làm sao có thể để một chiếc xe cứu hỏa vào đến nơi khi hỏa hoạn xảy ra? Nếu đợi nhân viên cứu hộ kéo được đường ống nước vào đến nơi thì ngôi nhà cũng đã thiêu rụi gần hết.
Hầu hết, những nạn nhân tử vong trong đám cháy đều là do không có lối thoát hiểm ra ngoài. Vậy những ngôi nhà ống, nhà một lối thoát làm sao an toàn khi đám cháy xảy ra?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên chủ yếu vẫn là do thiết kế kiểu nhà ống chỉ có một cửa ra vào duy nhất. Vì vậy, khi có cháy những người bên trong không thể thoát ra ngoài nếu lửa cháy từ phía cửa – lối ra duy nhất.
Thậm chí, để phòng ngừa cháy nổ, hoả hoạn, nhiều gia đình đã làm cửa ra vào khá rộng, cho rằng như vậy sẽ dễ dàng thoát ra ngoài nhưng khi các vụ cháy xảy ra vẫn gây hậu quả rất thương tâm.
Hầu hết các vụ cháy gây thiệt hại về người vừa qua cho thấy, một khi lửa đã bùng cháy ở lối ra vào duy nhất sẽ rất khó có thể thoát ra ngoài, dù cửa có rộng đến mấy đi nữa. Đặc biệt các vụ cháy thường xảy ra ban đêm, người dân đang ngủ, cửa đã khóa chặt nên việc phá cửa cũng rất khó khăn.
Khi có hoả hoạn xảy ra, nếu không ra ngoài được và không có ai cứu coi như cái chết đang ở rất gần. Bởi vì khi lửa bùng phát sẽ nhanh chóng đốt cháy hết không khí, gây ngạt thở, hôn mê ngay tức thì cho những người bên trong.
Vi vậy có thể khẳng định rằng, cách phòng cháy, chữa cháy hiệu quả nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, phải khắc phục triệt để tình trạng nhà ở, công trình xây dựng chỉ có một cửa thoát hiểm. Điều này vô cùng quan trọng khi ở các đô thị lớn có nhiều hẻm nhỏ, phương tiện cứu hoả, lực lượng cứu hỏa khó tiếp cận, triển khai nhanh chóng. Theo đó, khi cấp phép xây dựng, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, các cơ quan chức năng cần yêu cầu, bắt buộc chủ nhà phải có ít nhất hai lối ra vào, cửa thoát hiểm ở mỗi công trình, nhà ở.
Bởi nếu không yêu cầu, kiểm soát chặt chẽ việc bố trí cửa thoát hiểm cho các công trình xây dựng, nhất là kiểu nhà ống ở các thành phố, đô thị thì các vụ cháy gây hậu quả thương tâm sẽ vẫn còn tiếp diễn trong tương lai.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội hiện đã có 2.483 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Đáng chú ý, 60% trong số đó là chung cư, nhà tập thể cũ.
Giang Anh