Góc nhìn tuần qua: "Đồng bằng sông Cửu Long – Thuận theo tự nhiên để phát triển bền vững"

Video - Ngày đăng : 11:00, 12/11/2022

Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng… đang không ngừng gia tăng tại nhiều tỉnh/thành phố. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, ảnh hưởng của những hiện tượng thời tiết cực đoan này lại càng nghiêm trọng.
XEM VIDEO: Góc nhìn tuần qua: "Đồng bằng sông Cửu Long – Thuận theo tự nhiên để phát triển bền vững"

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Thực tiễn 5 năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, đòi hỏi cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khoa học, để có định hướng chiến lược tổng thể, lâu dài, những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, biến thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Quan điểm “mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP 26 sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam”, là phương châm hành động cho các cấp chính quyền, người dân và gắn kết với Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ban Biên tập Moitruong.net.vn