Phát triển nông nghiệp xanh gắn với giảm nghèo bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 13/11/2022

Nông nghiệp Việt Nam đã từng bước hướng đến nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững, nông nghiệp thân thiện với môi trường, mang lại chất lượng nông sản cao để đạt được giá bán cao góp phần xóa đói giảm nghèo.

Nhận giá trị cao từ nông nghiệp xanh

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.

Đồng thời lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…

nong-nghiep-xanh.jpg
Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã phát huy hiệu quả.

Sản xuất xanh thường được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp với sự tham gia của cả người dân và doanh nghiệp. Trong những năm gần đây tại Việt Nam đã hình thành nên các trang trại xanh, có phương án sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt; Phát triển sản xuất gắn liền với tạo lập môi trường sinh thái bền vững, đa dạng sinh học.

Đến nay sản xuất xanh đã và đang lan tỏa sang nhiều các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, thương mại… mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình.

Năm 2020, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá với mức tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,55%, chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2018 trong giai đoạn 2011-20201, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm ảnh hưởng lớn nền kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ vững vàng với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ.

Để hướng tới tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp, ngành đã giảm dần việc lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp như nước, đất đai. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thực tiễn trong thời gian qua, đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân có kỹ năng sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp rất tốt trong nhiều năm qua. Sự phát triển của các mô hình canh tác lúa bền vững (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, SRI, ICM…) trong những năm gần đây tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân trồng lúa tại Việt Nam.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi...

Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường. Mô hình lúa – tôm, lúa – cá… không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang là một hướng đi trong phát triển nông nghiệp xanh được nhiều địa phương khai phá. Những trang trại có thể gắn kết với các làng nghề truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tạo các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng để thu hút, phục vụ khách du lịch.

Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.

Thích ứng giúp giảm nghèo bền vững

Trong các ngành kinh tế, nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH. Theo các kịch bản tác động khác nhau của BĐKH, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp sẽ giảm từ 5 - 15% vào năm 2030 và từ 5,8 - 13,5% vào năm 2050. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu phần lớn tổn thất (52,39%), sau đó là Đồng bằng sông Hồng (31,4%), Duyên hải miền Trung (9,1%) và cuối cùng là Đông Nam Bộ (7,1%).

Đối với một số địa phương, thiệt hại từ ngành sản xuất lúa gạo có thể chiếm tới 70% tổng thiệt hại (Thái Bình, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ). Riêng tỉnh Kiên Giang chịu tác động lớn nhất với tổn thất và thiệt hại lên tới 75 tỷ USD.

Ứng phó hiệu quả với thiên tai, một trong những giải pháp được Trung ương cũng như địa phương tập trung đẩy mạnh thời gian qua là tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với BĐKH. Trong đó, chú trọng phát huy kinh nghiệm ứng phó tại chỗ và vai trò của chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng ở cơ sở.

nong-nghiep-xanh-1.jpg
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo

Song song với ứng phó thiên tai khẩn cấp, các địa phương trong cả nước đã chú trọng phát triển và đa dạng hóa sinh kế thông qua các hoạt động như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi phạm vi và quy mô sản xuất, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật công nghệ… nhằm thích ứng với BĐKH. Rõ nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đã chuyển gần 200.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng ngô, các cây hoa màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn. Các địa phương trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã chủ động phối hợp với các chương trình, dự án thí điểm mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng carbon thấp, tiêu biểu như: phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; nông nghiệp xanh ít phát thải; liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; làng thông minh với khí hậu; làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng; cộng đồng làng xã carbon thấp; sản xuất tích hợp theo hướng sinh thái khép kín cho các làng nghề…

Các kinh nghiệm, kiến thức của cộng đồng sinh sống tại các địa phương đã được chú trọng khai thác, vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH, đặc biệt là tại cấp cộng đồng. Các kiến thức và kinh nghiệm có thể được thể hiện thông qua hiểu biết của người dân liên quan đến sự thay đổi về nhiệt độ, thời tiết, chọn giống cây, vật nuôi; điều chỉnh thời vụ cũng như kỹ thuật canh tác, nuôi trồng. Đây là cơ sở để xây dựng các sinh kế mới theo hướng carbon thấp phù hợp phù hợp với điều kiện thời tiết và kinh tế xã hội tại địa phương, có thể nhân rộng và triển khai lâu dài.

Một số mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng carbon thấp tiêu biểu đã được thí điểm, khuyến khích nhân rộng như: Mô hình trồng, phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ít phát thải; mô hình tổng hợp, liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; mô hình làng thông minh với khí hậu/làng nông thôn thuận thiên (Climate Smart Village-CSV); mô hình cộng đồng làng xã carbon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với BĐKH tại khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ...

Theo Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai 3 nhóm nhiệm vụ để hướng tới mục tiêu giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Cụ thể, nhóm nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Nhóm thứ hai bao gồm các nhiệm vụ tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và đa dạng sinh học thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Nhóm nhiệm vụ thứ ba ưu tiên giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Quan điểm của Nhà nước hiện nay là nên xem xét lồng ghép thích ứng với BĐKH vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nỗ lực thích ứng sẽ tập trung vào sự thay đổi các quá trình cũng như những yếu tố gây ra tính dễ bị tổn thương. Qua đó các vấn đề nghèo đói, giới, sinh kế và khả năng tiếp cận thông tin và cơ sở hạ tầng cũng sẽ được xem xét và giải quyết.

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, diễn ra từ ngày 17/10-18/11/2022. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, qua đó kêu gọi, vận động nhân dân cả nước, doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế... quan tâm chăm lo, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo và cộng đồng nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Thông qua chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 sẽ động viên, khích lệ, biểu dương gia đình nghèo, cộng đồng nghèo nỗ lực lao động, sản xuất, sáng tạo, vượt khó, thực hành tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời ghi nhận sự đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực của các doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với người nghèo và cộng đồng.

Lâm Hiển