Đà Nẵng cần bổ sung, mở rộng hệ thống thoát nước

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:30, 14/11/2022

TP Đà Nẵng vừa trải qua một trận ngập lụt lịch sử. Sau đó, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết, sẽ triển khai rà soát lại phương án chống ngập đô thị, đánh giá lại các hiện trạng và quy hoạch, thoát nước, thoát lũ, đánh giá kỹ các công trình thoát nước hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng mới.

Những ngày qua, khi các đơn vị, địa phương lật các đan cống, hố ga, lưới chắn rác tại cửa thu nước mưa lên để nạo vét, khơi thông, nhiều người dân không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến các bất cập của hệ thống thoát nước. Trên đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê), người dân ngạc nhiên khi nhìn thấy cửa thu nước mưa ở mặt đường được đấu nối với hố ga dưới vỉa hè chỉ bằng một ống có đường kính khoảng 20cm, tiết diện ống chưa bằng 1/3 so với tiết diện cửa thu.

Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến đường Hà Huy Tập hay xảy ra ngập cục bộ khi mưa to trong thời gian ngắn. Thậm chí, có vị trí đấu nối ống với hố ga có cao trình cao hơn so với cửa thu nên rất khó thoát nước mưa trên mặt đường, ngoại trừ khi đường bị ngập sâu, nước sẽ “leo dốc” chảy xuống cống.

Mặt khác, có hiện tượng chảy ngược nước từ hố ga gần đầy nước do tắc nghẽn, đầy bùn, đất... xuống cửa thu nước mưa mặt đường. Bà Hồ Thị Thanh Xuân (một người dân ở đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê) cho hay: “Đường Hà Huy Tập hay bị ngập cục bộ dù người dân không bít các cửa thu nước mưa. Vì thế, khi thành phố có chủ trương nạo vét, khơi thông... để thoát nước, người dân rất mừng”.

he-thong-thoat-nuoc.jpg
TP Đà Nẵng vừa trải qua một trận ngập lụt lịch sử.

Trước xu hướng mưa cực đoan và mưa tập trung trong thời gian ngắn như thời gian qua, rõ ràng đây là một thách thức, đòi hỏi phải tăng khả năng thoát nước từ trên mặt đường xuống cống bằng các giải pháp như: bổ sung thêm hoặc mở rộng ống, mương đấu nối từ cửa thu nước mưa trên mặt đường xuống cống.

Ông Nguyễn Văn Quảng (một người dân ở đường Trần Thánh Tông) đề nghị, “Đối với bờ tường ngăn âu thuyền Thọ Quang với khu dân cư, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng phải mở 2-3 lối thoát nước với mỗi lối rộng từ 2-3m để khi nước dâng cao trên đường thì dễ dàng thoát xuống âu thuyền”.

Cùng với đề nghị tăng khả năng thoát nước xuống các cống, kênh, hồ, sông..., nhiều người dân cũng mong muốn thành phố mở rộng khẩu độ các cống, cầu để tăng khả năng thoát nước qua các tuyến đường giao thông.

Còn ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho rằng: “Trước đây, cầu Đa Cô ở đường Tôn Đức Thắng rất rộng, thậm chí là có thể chèo ghe đi qua ở bên dưới cầu. Khi nâng cấp, mở rộng đường Tôn Đức Thắng, người dân và chính quyền địa phương đã quyết liệt kiến nghị mở rộng cầu để tăng khả năng thoát nước nhưng rồi vẫn xây dựng có khẩu độ hẹp như hiện nay nên khu vực thượng lưu thường hay bị ngập sâu do bị hạn chế thoát nước qua cầu Đa Cô. Hiện nay, khi mưa lớn, nước tập trung về khu vực cầu Đa Cô rất nhiều nên cần mở rộng cầu để tăng khả năng thoát nước ra sông Phú Lộc và ra biển”.

Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, trong bối cảnh mưa cực đoạn xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, Đà Nẵng cần triển khai nhiều giải pháp giảm ngập cho đô thị hiệu quả hơn, nhất là đối với những khu vực ngập úng sâu: Đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thoát cũ, xây dựng mới hệ thống thoát nước (cống, trạm bơm, tuyến tiêu thoát nước,…); nghiên cứu đầu tư, mở rộng các hồ điều tiết, trữ nước; không san lấp sông, suối, ao hồ...

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho biết: “Trong quá trình nạo vét, khơi thông cống thoát nước, chúng tôi chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng kết hợp khắc phục một số bất cập của hệ thống thoát nước”.

he-thong-thoat-nuoc-1.jpg
Trong bối cảnh mưa cực đoạn xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu, Đà Nẵng cần triển khai nhiều giải pháp giảm ngập cho đô thị hiệu quả hơn.

Theo TS Lê Hùng (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), nguyên nhân ra ngập lụt tại Đà Nẵng vừa qua là do mưa quá lớn trong mời thời gian ngắn, xảy ra vào đúng thời điểm triều cường lên cao với hạ tầng thoát nước hiện nay nên thoát nước không kịp. Cụ thể, lượng mưa lớn nhất trạm Đà Nẵng đo được trong 1 giờ là 150 mm, mưa trong 2h là 291 mm, mưa trong 3 giờ là 407 mm; mưa 6 giờ là 568 mm. Và đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm kể từ 2018 đến nay, đã xảy ra trận mưa cực đoan, điều đó cho thấy mức độ ngày càng gia tăng lượng mưa với tần suất dày hơn.

“Mưa cực đoan ngày càng xảy ra nhiều. Vì vậy, từ mưa bất thường cho đến những bất cập về hạ tầng cần phải được làm rõ, không phải để truy trách nhiệm mà là để lãnh đạo TP Đà Nẵng, những nhà quản lý, quy hoạch cần có giải pháp và sự chuẩn bị cho tương lai với dự báo mưa cực đoan xuất hiện nhiều hơn, để không còn những cơn đại hồng thủy “đánh úp” thành phố như đã từng xảy ra. Cần đưa ra giải pháp giảm ngập cho các khu vực ngập sâu trên 1m và các khu vực có dòng chảy xiết.”- TS Lê Hùng cho biết.

Còn theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, tương lai, TP Đà Nẵng sẽ còn phát triển mạnh, đồng nghĩa với việc tăng bê tông hóa đô thị hơn, xây dựng nhiều nhà cao tầng hơn. Trong đó, trong quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng khuyến khích phát triển về phía đồi núi. Tình trạng bê tông hóa đồi núi, sẽ tạo nguy cơ nước mưa đổ nhanh hơn từ vùng cao xuống khu thấp. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, sắp tới Đà Nẵng sẽ có nguy cơ ngập nặng hơn rất nhiều.

Do đó, để ứng phó với ngập lụt, quy hoạch TP Đà Nẵng cần chuẩn bị dư địa để ứng phó với việc ngập lụt.

Sự chuẩn bị về quy hoạch để ứng phó với việc ngập lụt thì trước hết phải tăng không gian xanh, đặc biệt là khu vực đồi núi giáp với đồng bằng nên có những vành đai xanh rừng để giữ nước lại, làm chậm tốc độ nước từ trên núi đổ xuống.

Cùng với đó, là tăng không gian xanh công viên thành phố. Các công viên có vai trò khi mưa lớn, hạ tầng không đáp ứng được thì nước đổ vào công viên, thẩm thấu xuống đất, bổ sung nước ngầm. Một mặt giảm ngập, mặt khác giúp giảm xâm nhập mặn. Đà Nẵng cũng cần phải có chính sách kiểm soát và chế tài trong quá trình cấp phép và quản lý việc xây dựng các dự án…

Vũ Thành