Hà Giang: Huyện Quản Bạ phát huy hiệu quả Quỹ bảo vệ rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 15:00, 17/11/2022

Thời gian qua, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã làm tốt công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ đó khuyến khích người dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Hà Giang đã chi trả tiền DVMTR cho huyện Quản Bạ trên 15,6 tỷ đồng, với diện tích quản lý bảo vệ là trên 27,9 nghìn ha rừng. Từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, người dân sinh sống ở vùng đệm của các khu rừng phòng hộ được thụ hưởng chính sách DVMTR đã có thêm nguồn thu nhập ổn định để từng bước cải thiện cuộc sống.

Theo đánh giá của ngành chức năng, việc sử dụng tiền DVMTR của các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng cho thấy việc giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn, bản được sử dụng có hiệu quả và thiết thực hơn. Tiền DVMTR không chỉ là một nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân mà còn được bà con sử dụng để mua cây giống trồng rừng, chi trả cho việc chăm sóc cây rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và mua sắm trang thiết bị, vật dụng để bảo vệ rừng hiệu quả. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư có nhận khoán bảo vệ rừng đã sử dụng tiền để cải thiện sinh kế cho gia đình và đóng góp một phần kinh phí cho xây dựng nông thôn mới, các công trình phúc lợi như làm đường giao thông nông thôn, mua sắm thêm bàn ghế, loa đài cho nhà văn hóa, sân chơi thể thao cho cộng đồng…

dich-vu-moi-truong-rung.jpg
Người dân xã Nghĩa Thuận tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn, Ảnh: Báo Hà Giang

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Viên Tiến Hưng cho biết: Từ khi giao rừng cho cộng đồng thôn, bản quản lý các diện tích rừng đầu nguồn, mọi người dân trong thôn đều ý thức giữ rừng và có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Hiện nay trên địa bàn xã Nghĩa Thuận đang bảo vệ 1,6 nghìn ha rừng, với số tiền được chi trả DVMTR trên 1,3 tỷ đồng. Số tiền này chúng tôi đã họp bàn và thống nhất chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng và một phần đóng góp để sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, đổ bê tông đường giao thông, lắp đặt đèn đường nông thôn, bà con trong xã ai cũng phấn khởi, đồng lòng nhất trí.

Tại xã Cán Tỷ đang bảo vệ 1,5 nghìn ha rừng với số tiền DVMTR hơn 1,1 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ Hạng Mí Ngọc chia sẻ: Việc thực hiện quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR của các thôn hướng đến mục tiêu thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, cụ thể hóa giải pháp sử dụng hiệu quả kinh phí DVMTR, trọng tâm là nghiên cứu cơ chế khuyến khích các chủ rừng sử dụng tiền từ DVMTR phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo chủ trương của tỉnh, huyện đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tại xã Cán Tý, nhân dân đã bàn bạc sử dụng tiền DVMTR vào xây dựng nông thôn mới như đóng góp tiền để lắp đèn chiếu sáng đường nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn… Đến nay, 3/8 thôn của xã Cán Tỷ hoàn thành công trình điện chiếu sáng với kinh phí gần 300 triệu đồng, góp phần vào đảm bảo an ninh, trật tự ở vùng nông thôn.

Có thể thấy, nguồn kinh phí từ DVMTR được cộng đồng dân cư thôn, bản trên địa bàn huyện Quản Bạ sử dụng hiệu quả. Nhân dân đồng thuận, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở và mỗi người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hoàng Linh