Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại APEC 2022 nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 18/11/2022

Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận tại Phiên họp thứ 4 CEO Summit về Thương mại và Đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những thành tựu và chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
apec-29.jpg
Hơn 850 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực cùng đại diện của các tổ chức quốc tế tham dự  APEC 2022.

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 16 - 18/11, với sự tham dự của hơn 850 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực cùng đại diện của các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là diễn giả chính của hội nghị năm nay

Với chủ đề “Chào đón tương lai: Nắm bắt, tham gia, kiến tạo”, hội nghị gồm 15 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế khu vực và toàn cầu như đổi mới sáng tạo, các thách thức lớn của thương mại và đầu tư khu vực, tăng trưởng bao trùm và bền vững, y tế sau đại dịch, chuyển đổi số, xu hướng việc làm, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và rủi ro toàn cầu, và tương lai của APEC.

Phát biểu định hướng cho phiên thảo luận về “Tương lai thương mại và đầu tư, các cơ hội và thách thức đối với hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, tại Phiên họp thứ 4 CEO Summit về Thương mại và Đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về 4 yêu cầu/đặc điểm quan trọng của thương mại và đầu tư trong giai đoạn mới là:

1.Bảo đảm hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một “sân chơi” toàn cầu.

2. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực đến thương mại xuyên biên giới và kinh tế toàn cầu.

3. Xuất phát từ những khó khăn, thách thức trong 2 năm qua, thế giới và khu vực đang thiết lập những chuỗi cung ứng mới, tự cường và bền vững, với nguồn cung ứng đa dạng, có cơ chế giám sát hiệu quả và có thể dễ dàng truy vết.

4. Dưới tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, cắt giảm phát thải carbon sẽ thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian tới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những thành tựu và chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn về năng lượng, lương thực. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thuộc nhóm cao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dự báo ở mức 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.

Là một nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam đã ký kết và thực thi gần 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Các thành quả tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho thấy việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong bình diện khu vực và toàn cầu có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ ưu tiên của Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Việt Nam mong muốn thu hút các dự án FDI với công nghệ cao, giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ thực tiễn của mình, Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của việc “đồng hành cùng doanh nghiệp”, coi doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, chia sẻ, lắng nghe cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong mọi tình huống; đồng thời đẩy mạnh tạo thuận lợi, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp APEC sẽ nêu cao tinh thần hợp tác, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực.

Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở những chia sẻ, nhận định của Chủ tịch nước, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại và đầu tư ở khu vực và tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Cũng tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan đang có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam.

ct-nxp-gap-dn-tl18.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan đang có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam.

Tiếp Chủ tịch Tập đoàn CP, ông Dhanim Chearnont, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, CP là một thương hiệu sản phẩm lớn tại thị trường Việt Nam; đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi; đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm, chăn nuôi của Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị CP nâng rộng hơn nữa quy mô sản xuất tại Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương để phát triển ngành chăn nuôi; nâng cao công nghệ chế biến đầu ra, xuất khẩu; đặc biệt là phải đẩy mạnh chế biến chất lượng cao nhất là các sản phẩm thực phẩm từ gia súc, gia cầm. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh an toàn để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh.

Cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo CP cho biết, tập đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cấp quy trình công nghệ, dây chuyền khép kín, từ sản xuất, chế biến các sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Lãnh đạo CP cũng cam kết sẽ luôn đảm bảo tính an toàn, chất lượng các sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Trong tương lai, CP mong muốn tiếp tục mang đến nhiều hơn nữa những dây chuyền công nghệ hiện đại nhất đến Việt Nam; mang lại giá trị cao hơn cho người dân Việt Nam và góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tiếp ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn SCG – Tập đoàn đang tham gia đầu tư Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch nước đánh giá cao SCG trong nỗ lực theo đuổi, quyết tâm triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là Dự án Long Sơn – dự án được coi là trọng điểm trong hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan.

Chủ tịch nước cũng hoan nghênh SCG đã triển khai nhiều hoạt động tại Việt Nam bên cạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực an sinh xã hội khác. Mong muốn SCG sẽ thành công hơn nữa trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, phía Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện thuận lợi cho SCG kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng đề nghị SCG cần tập trung đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường, đời sống của người dân bởi đây là những yêu cầu hàng đầu trong quá trỉnh triển khai dự án; đặc biệt cần chú ý đầu tư công nghệ xử lý chất thải phù hợp; coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường là trách nhiệm ưu tiên hàng đầu.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp, ông Roongrote Rangsiyopash cho biết, SCG đang nỗ lực mở rộng việc cung cấp một số sản phẩm mới ra thị trường tại Việt Nam. Hiện, tập đoàn đang tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quy trình cung cấp sản phẩm ra thị trường để đảm bảo tiến độ của dự án.

Ông Roongrote Rangsiyopash bày tỏ hy vọng, với sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dự án sẽ gặt hái được nhiều thành công tại Việt Nam. Chủ tịch SCG cũng cam kết quá trình hoạt động của Dự án sẽ đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và góp phần vào đóng góp cho sự phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Tiếp ông Vikrom Kromadit, nhà sáng lập kiêm CEO Tập đoàn Amata - doanh nghiệp đang triển khai một số dự án tỷ đô tại Việt Nam, Chủ tịch nước chúc mừng những thành công của Amata tại Việt Nam với nhiều khu công nghiệp hoạt động thành công ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh, thành phố khác của Việt Nam; giải quyết nhiều lao động tại Việt Nam.

Chủ tịch nước đề nghị Amata mở rộng hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam và cho biết, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương; thúc đẩy các chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư, nhất là trong giải phóng mặt bằng, xây dựng quỹ đất… từ đó tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ người dân bị thu hồi đất đảm bảo lợi ích cho Nhà nước và nhà đầu tư. Việt Nam luôn bảo vệ quyền lợi và song hành với nhà đầu tư; trong đó có Amata.

Cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, ông Vikrom Kromadit, cho biết, Tập đoàn Amata đã đến đầu tư tại Việt Nam từ hơn 25 năm qua và đạt được một số thành tựu quan trọng qua các chương trình, dự án triển khai tại các địa phương như: Long Bình, Long Thành, Quảng Trị, Hạ Long. Thời gian tới, Amata sẽ triển khai một số dự án trong lĩnh vực thành phố thông minh tại Việt Nam.

Ông Vikrom Kromadit bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam. Lãnh đạo tập đoàn Amata cũng mong muốn Việt Nam hoàn thiện chính sách về đất đai, giải quyết được những khó khăn trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư.

Cũng trong chiều 17/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và cắt băng khai mạc “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022".

Đây là sự kiện do Bộ Công Thương Việt Nam và Tập Đoàn Central Retail tại Việt Nam đồng tổ chức từ ngày 16 đến 20/11 tại Central world – một trong những Trung tâm Thương Mại lớn nhất thế giới. Sự kiện cũng có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Sinit Lertkrai. Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan - Phan Chí Thành...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối tại các nước trong đó có Thái Lan. Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 là sự kiện thường niên quan trọng trong khuôn hoạt động này, được tổ chức tại CENTRALRETAIL từ năm 2016 đến nay; qua đó, góp phần để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Group.

Với hơn 70 doanh nghiệp tham gia trưng bày và kết nối giao thương, Tuần hàng Việt Nam 2022 tại Thái Lan đã giới thiệu những sản phẩm mang bản sắc rất riêng của Việt Nam, với những nét đặc trưng, riêng biệt như: Sản phẩm có những yếu tố cải tiến vượt bậc, sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ Blockchain; sản phẩm thuộc chương trình OCOP Elite; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn...được lựa chọn kỹ lưỡng để giới thiệu với khách hàng ngoài nước.

Các mặt hàng organic hữu cơ “đi trước thời đại” của Vinamit; Công ty Cội Việt từ Lào Cai (tương ớt Mường Khương, trà cam, nấm hương) sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để giữ được hương vị của sản phẩm đồng thời đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người tiêu dùng; On Foods với sứ mệnh tạo ra các loại thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng nhất có thể bằng cách kết hợp A.I, công nghệ với sự sáng tạo của con người, các sản phẩm sô cô la đạt tiêu chuẩn “kinh tế tuần hoàn" của Miss Ede; sản phẩm hạt Macca đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty Cổ phần Damaca…là những sản phẩm đi đúng xu hướng của thời đại, được khách hàng yêu thích và ưa chuộng.

Nhằm nâng cao cơ hội xuất khẩu sang Thái Lan, Ban tổ chức đã bố trí khu vực trưng bày Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 với quy mô 45 gian hàng, trưng bày giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa bắt mắt, trải rộng tại 3 khu vực sảnh chính, tổng diện tích trưng bày chiếm đến gần 1000 m2 trên tổng 800.000 m2 của trung tâm thương mại CentralWorld.

Đặc biệt, khách tham quan còn có cơ hội được giới thiệu về sản phẩm của 2 điểm đến đặc biệt của Việt Nam ở hai đầu đất nước là Lào Cai và Cà Mau với nhiều mặt hàng nông sản vùng cao và hải sản miền biển; cũng như quảng bá du lịch và các giá trị văn hóa vùng miền của 2 địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, dự kiến trong 5 ngày tổ chức, sự kiện Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan sẽ đón 500.000 lượt khách đến tham quan, mua bán và trao đổi.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, việc tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công bằng chính thương hiệu của mình sang hệ thống phân phối của Central Group Thai Lan.

Được biết, trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Theo đó, Central Retail Việt Nam sẽ là đối tác chiến lược của Bộ Công Thương trong việc đồng hành xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường sang các nước khác.

Hạ Vy