Chơi ở đâu khi đến Hòa Bình?

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 09:30, 19/11/2022

Hòa Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc, nơi đây thu hút khách du lịch nhờ sự đa dạng cảnh sắc thiên nhiên từ sông, hồ, suối khoáng, vườn quốc gia và bản sắc văn hóa người dân tộc H'Mông, Mường, Dao, Thái... Hòa Bình ngày càng khẳng định sức hút khi hàng loạt các khu nghỉ dưỡng mở ra, phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi của đông đảo người dân.

Hoà Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, giáp ranh Thủ đô Hà Nội. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, kỳ thú, Hoà Bình còn có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Thiên nhiên đã ban cho Hòa Bình nhiều cảnh quan kỳ thú như: hang Trại (Lạc Sơn), hang Đồng Nội (Lạc Thuỷ),… với những dấu tích của văn hoá Hoà Bình, những bản làng của đồng bào Thái (bản Lác, bản Poom Coọng ở Mai Châu), đồng bào Mường (bản Giang Mỗ, Cao Phong). Suối nước khoáng Kim Bôi (Kim Bôi) vừa là điểm du lịch, điều dưỡng, vừa là nguồn nguyên liệu có giá trị cung cấp cho ngành sản xuất nước giải khát. Đặc biệt, công trình thuỷ điện Hoà Bình – “công trình thế kỷ” và hồ thuỷ điện Hoà Bình có nhiều cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn. Những cảnh quan trên cùng với những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Hoà Bình (hàng thổ cẩm, rượu cần Hoà Bình,…) đã cho thấy tiềm năng phong phú của du lịch Hoà Bình.

hoa-binh.png
Hòa Bình là địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều nét văn hóa độc đáo được gìn giữ.

Hoà Bình còn tự hào là “nôi” của nền Văn hoá Hoà Bình, miền đất sinh sống của người Việt cổ cách đây hàng vạn năm, với những di chỉ khảo cổ có giá trị, những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú, độc đáo, những danh lam, thắng cảnh kỳ vĩ, lôi cuốn, những sản vật độc đáo, là những điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều loại hình du lịch.

Nổi bật nhất ở Hòa Bình phải kể đến các phong tục tập quán, các nét văn hóa của người Mường, dân tộc có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, có chung một nền văn hóa rộng lớn, trải dài suốt bao thế kỷ. Người Mường chủ yếu cư trú ở các vùng thung lũng, những dải đồi thấp ven núi, vì vậy từ trước tới nay, cư dân Mường sống bằng nghề nông nghiệp, trồng lúa và kết hợp làm nương rẫy.

Bản làng của người Mường thường được tập trung ở chân núi với hướng nhà nhìn ra cánh đồng hay dòng suối. Chính vì điều kiện cư trú như vậy, nên nền văn hóa Mường mang đậm nét bản địa, bó gọn lại trong các Mường và lưu truyền nó qua cuộc sống hàng ngày ,hết sức giản dị mộc mạc độc đáo và là một trong những điều hấp dẫn du khách nhất khi đến du lịch Hòa Bình.

Du lịch Lương Sơn, động Đá Bạc

dong-da-bac.jpg
Động Đá Bạc.

Động Đá Bạc còn có tên gọi khác là động Tiên, nằm trong lòng núi Pai Dáy (hay còn gọi là núi Hang Beo). Đầu năm 1990, một số ng­ời dân địa ph­ương xóm Đá Bạc đi lấy củi tình cờ đã phát hiện ra di tích động. Cửa động hư­ớng Đông Nam, rộng chừng 1m, cao 2m. Động có chiều dài 65m, chiều rộng từ 4 đến 22m, vòm cao từ 1,5 đến 15m.

Khu du lịch Thác Thăng Thiên

thac.jpg
Khu du lịch thác Thăng Thiên khá gần Hà Nội .

Nằm trên dãy núi Viên Nam, cách Hà Nội hơn 50km về hướng Tây , khu du lịch Thác Thăng Thiên (Kỳ Sơn) được bao phủ bởi một cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn màu xanh với rất nhiều loài động thực vật phong phú.

Chảy len lỏi giữa rừng núi là dòng suối Anh với làn nước xanh trong mát rượi. Dọc theo suối có 4 thác nước đẹp, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều khám phá thú vị. Bầu không khí trong lành của thiên nhiên hoang sơ sẽ khiến những mệt mỏi của bạn dường như tan biến.

Sau những giờ phút khám phá, hòa mình cùng thiên nhiên, các bạn có thể thư giãn, nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn dân dã mang đậm nét dân tộc trong khu du lịch. Không chỉ có thế, khu du lịch còn có một bể bơi rộng nằm ngay giữa rừng núi xanh bạt ngàn. Các bạn thoả sức bơi lội, tham gia một số trò chơi dưới nước…

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

thuy-dien-hoa-binh.jpg
Nhà máy thủy điện Hòa Bình mùa xả lũ.

Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền bắc Việt Nam. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành. Công trình khởi công xây dựng ngày 6 tháng 11 năm 1979, khánh thành ngày 20 tháng 12 năm 1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240.000 kilowatt. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh).

Tại sân Nhà truyền thống Thủy điện Hòa Bình có một khối bê tông hình thang, trên đó có tấm biển thép khắc chìm dòng chữ: “Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau. Thư sẽ được mở vào ngày 1-1-2100”.

Hồ thủy điện Hòa Bình

ho-hoa-binh.jpg
Từ khi có nhà máy thủy điện, hồ Hòa Bình trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.

Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha.

Cảnh quan môi trường trên lòng hồ và chung quanh hồ với những cảnh đẹp, mặt nước mênh mang, núi non và những hang động, đền thờ là những điều khiến du lịch lòng hồ thu hút được rất nhiều khách du lịch đến với Hòa Bình.

Đền Bà Chúa Thác Bờ

thac-bo.jpg
Hình ảnh đền chúa thác bờ hòa bình.

Ngôi đền nằm bên bờ hồ rộng lớn giữa lòng hồ Hòa Bình, sau lưng là hệ thống hang động thạch nhũ rộng lớn. Năm 2009, động Thác Bờ được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia. Ngôi đền thờ hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân người Mường và một bà người Dao, xưa kia có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng với niềm tin được phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hòa.

Tháng 1 đến tháng tháng 3 hàng năm ở đây thường có nhiều lễ hội. Du khách dâng hương sẽ đến bến Thung Nai, sau đó thuê thuyền để tới đền. Lịch trình tuần tự là ở đền Trình, đền Chúa.

Trên đường từ Thung Nai trở lại thành phố, bạn có thể bắt gặp vài vườn chuối, cam, ngô trên đường. Trong đó, một vườn cam Cao Phong nằm bên phải thu hút người đi đường với sườn đồi thoai thoải và những quả cam mọng nước. Cam có giá 20.000 đồng/kg. Bạn có thể mua về làm quà và sau đó được tự do chụp ảnh trong vườn.

Động Tiên Phi

dong-tien-phi.jpg
Bên trong Động Tiên Phi.

Nằm trên đồi Thung Phi, xóm Gai thuộc TP Hòa Bình, Động Tiên Phi sở hữu một dãi nhũ đá trông tựa như bóng dáng một cô tiền đang trọng tư thế uyển chuyển như đang bay, rất đẹp mắt. Chính nhờ cảnh đẹp huyền ảo đó mà nơi đây được đặt tên là động Tiên Phi.

Trên hành trình đi đến động, bạn sẽ được ngắm nhìn những tán lá đan xen nhau của cây phượng vĩ, bạch đàn hay những tán lá tre xanh. Khi bước vào động, bạn sẽ thấy ngay nền đất màu vàng thẫm, vòm núi đá cao với những nhũ đá nhiều hình ảnh.

Sau một loạt những ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của động, bạn sẽ thấy được một giếng tiên nước trong vắt, hình bán nguyện rộng lớn. Vẻ đẹp tại Động Tiên Phi như một kiệt tác khiến bao du khách say đắm, lưu luyến mãi không rời. Hãy thử một lần đến đây, bạn sẽ hiểu vì sao động tiên Phi luôn nằm trong top các điểm tham quan hấp dẫn ở Hoà Bình.

Khu du lịch Suối Khoáng Kim Bôi

suoi-khoang-kim-boi.jpg
Ngâm mình trong làn nước nóng tại Suối khoáng Kim Bôi giúp bạn thư giãn, thoải mái.

Địa điểm du lịch Hòa Bình này được bao du khách yêu mến bởi nguồn nước khoáng tự nhiên, trong vắt. Nhiệt độ tại suối khoáng này thường được duy trì trong khoảng từ 34 đến 36 độ C. Hãy ngâm mình trong làn nước nóng khi đến đây, bởi nước khoáng sẽ giúp bạn chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp... Không chỉ được thư giãn về thân thể khi đến khu du lịch Suối Khoáng Kim Bôi, bạn còn được thưởng thức nước khoáng đóng chai tự nhiên, thơm ngon vô cùng.

Khu du lịch Bản Lác - khám phá cuộc sống của dân tộc Thái

ban-lac.jpg
Bản Lác hiện lên nhưng một bức tranh sống động giữa bạt ngàn núi rừng.

Mùa thu là thời điểm tuyệt vời để du khách đặt chân tới khu du lịch Bản Lác và đắm chìm vào nét đẹp thơ mộng của những dãy núi Tây Bắc lững lờ ngang chân mây hay ngắm nhìn cảnh hoa nở rợp trời tạo nên nhiều mảng màu thú vị.

Đường sá quanh bản được làm lại vô cùng sạch sẽ, khang trang. Xung quanh bản là vẻ đẹp bình yên của những lũy tre làng, những ngôi nhà sàn cao 2m, đặc trưng của người dân tộc Thái. Tuyệt vời nhất chính là cảm giác bạn đạp xe quanh bản, ngắm nhìn những đồng lúa xanh mướt, lắng nghe âm thanh trong trẻo nhất của suối chảy róc rách.

Du lịch Hòa Bình mùa nào đẹp

hoa-binh.jpg
Từ Đập thủy điện Hòa Bình nhìn về phía hạ lưu.

Có diện tích rộng lớn cùng nhiều danh lam thắng cảnh, vì vậy du khách có thể đến Hòa Bình vào bất cứ mùa nào với trải nghiệm khác nhau. Thông thường du khách ở Hà Nội thích đến Hòa Bình vào mùa hè vì thời tiết ở nhiều điểm đến như Mai Châu, Thung Nai mát mẻ.

Tháng 5-6 sẽ níu chân du khách bởi mùa lúa vàng ở Mai Châu, còn tháng 5-8 là mùa mà nước sông Đà ở Thung Nai trong xanh... Du khách cũng đừng quên đến suối khoáng nóng Kim Bôi vào mùa đông hay thăm Lũng Vân vào mùa xuân khi trăm hoa đua nở, sương phủ trắng những ngôi nhà người Mường lưng chừng núi.

Hương Giang