Lời dạy của Bác Hồ với nghề giáo

Giáo dục - Ngày đăng : 07:30, 20/11/2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Nghề giáo là nghề rất mực vẻ vang

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa người thầy với giáo dục và sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước là một quá trình thống nhất. Trong đó, người thầy giáo là chủ thể có vị trí cực kỳ quan trọng và rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,…Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Bác xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người để xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang.

Bác dạy: “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”.

nghe-giao.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người thầy đối với xã hội, đối với sự nghiệp trồng người cho tương lai

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ chức năng của người thầy giáo là dạy học theo mục tiêu giáo dục của nước nhà trong từng giai đoạn phát triển của xã hội. Trong Lá thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc tháng 3/1955, Bác Hồ đã viết: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Bác cũng nhấn mạnh rằng: Nhiệm vụ của người thầy giáo không chỉ là sự truyền bá tri thức, phương pháp, tay nghề cho người học, mà thầy giáo cũng như học trò, tất cả đều phải tham gia vào các công việc xã hội một cách thật tích cực. Nhà trường phải gắn liền với thực tiễn xã hội, gắn liền với đời sống của nhân dân. Đồng thời, Bác Hồ còn chỉ ra bản chất ưu việt của nền giáo dục trong xã hội mới là hoàn toàn khác với giáo dục trong xã hội cũ: động cơ của người làm nghề thầy giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy mà động cơ giáo dục của người thầy giáo phải gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, người làm thầy giáo phải luôn là tấm gương không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm tấm gương sáng cho học trò noi theo, để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề vai trò, vị trí và chức năng của người thầy giáo luôn được quan tâm đúng mức và đánh giá cao. Sự đánh giá cũng như những nhận định của Bác về người thầy giáo là hoàn toàn có cơ sở và được Bác luận giải trên nhiều phương diện:

Thứ nhất, người thầy giáo là hạt nhân của sự nghiệp giáo dục, mà giáo dục có mối liên hệ mật thiết với tất cả các lĩnh vực khác bởi nó là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề trong xã hội. Thấm nhuần được quan điểm này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý của giáo dục là phải tập trung thực hiện mục tiêu: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.

Thứ hai, người thầy giáo luôn phải gương mẫu trong học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, tri thức khoa học, phải là tấm gương tự học với quan niệm “Sự học không bao giờ cùng” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trước tình hình mới. Đặc biệt là trong bối cảnh khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay thì tấm gương tự học của người thầy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với người học.

Thứ ba, người thầy giáo phải luôn tự rèn luyện và trở thành tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho học trò nói riêng và mọi người nói chung noi theo. Hình ảnh người thầy giáo luôn được xã hội xem là biểu tượng của văn hóa, là đại diện cho văn minh thời đại.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, người thầy giáo phải có đức hy sinh cao cả, sự cống hiến thầm lặng như những người lái đò, đưa từng thế hệ học trò đến bến bờ của thành đạt và vinh quang, giúp họ trở thành những con người có ích cho xã hội, mà về phần mình, người thầy giáo không đòi hỏi gì. Niềm vui của người thầy chính là sự tiến bộ của học trò, sự thành đạt của người mà họ dạy dỗ và truyền thụ tri thức.

nghe-giao-1.jpg
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh ( 9/1910 - 02/1911)

Niềm hi vọng to lớn ở thế hệ trẻ của đất nước

Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học - công nghệ và kinh tế - văn hóa đóng vai trò quyết định. Việt Nam với những chính sách mở cửa tích cực, đã và đang có những cơ hội hội nhập tốt nhất. Vì vậy, để nước Việt Nam phát triển được như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi mỗi người phải có trí tuệ, hiểu biết khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có tri thức, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết, thế hệ học sinh hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng trở thành người có tài và có tâm, đủ năng lực để hội nhập đưa đất nước tiến lên, phù hợp với bước tiến của thời đại.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc... Qua đó, sẽ góp phần “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.

Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Lâm Minh