Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón trọng thể Tổng thống U-gan-đa
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:29, 24/11/2022
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống nước Cộng hòa U-gan-đa (The Republic of Uganda) Giô-uê-ri Ka-gu-ta Mu-xê-vê-ni (Yoweri Kaguta Museveni) tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 - 25/11/2022.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống U-gan-đa diễn ra vào thời điểm hai nước tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (9/2/1973 - 9/2/2023); nhằm tăng cường, thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - U-gan-đa; trao đổi, rà soát tình hình hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; đề ra biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác thời gian tới.
Cộng hòa U-gan-đa (Republic of Uganda) nằm ở Đông Phi, Bắc giáp Nam Xu-đăng, Tây giáp Cộng hòa dân chủ Công-gô, Đông giáp Kê-ni-a, Nam giáp Tan-da-ni-a, Ru-an-đa. Diện tích: 236.040 km2; Dân số: 47,12 triệu người (2021, theo Ngân hàng Thế giới), GDP: 40,43 tỷ USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới), GDP/đầu người: 894 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới)
U-gan-đa theo thể chế Cộng hòa tổng thống. Tổng thống là người nắm thực quyền, đứng đầu Nhà nước, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm. Bầu cử Tổng thống tại U-gan-đa được bầu theo hệ thống 2 vòng, các ứng viên cần ít nhất 50% ở vòng 1. Hiến pháp sửa đổi năm 2005 xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Tổng thống. Tình hình U-gan-đa nhìn chung tương đối ổn định. Ông Mu-xê-vê-ni lên nắm quyền từ năm 1986 và tái đắc cử tại cuộc bầu cử các năm 2006, 2011, 2016, 2021. Ông là Tổng thống nắm quyền lâu nhất tại U-gan-đa.
Năm 2007, Chính phủ U-gan-đa đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn Quốc gia về “Chuyển đổi U-gan-đa từ một xã hội nông nghiệp thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng trong vòng 30 năm”. Ngày 18/4/2013, U-gan-đa đề ra Tầm nhìn U-gan-đa 2040 (Uganda Vision 2040) với các mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn này với 06 lĩnh vực ưu tiên gồm: cơ sở hạ tầng; khoa học, công nghệ, kỹ thuật và đổi mới; sử dụng và quản lý đất đai; đô thị hóa; phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm hòa bình, an ninh và quốc phòng. Các mục tiêu của Tầm nhìn 2040 được thực hiện thông qua các Kế hoạch phát triển quốc gia (NDP) 5 năm, đến nay đã có Kế hoạch phát triển quốc gia 5 năm lần thứ I (2010/2011 - 2014/2015), lần thứ II (2015/2016 - 2019/2020) và hiện là lần thứ III (2020/2021 - 2024/2025).
U-gan-đa có nguồn tài nguyên phong phú gồm đất canh tác, mỏ đồng, cô-ban. Tháng 4/2010, một trữ lượng dầu lửa lên tới 700 triệu thùng đã được phát hiện ở Đông U-gan-đa, và các nhà khai thác nhận định nước này có thể khai thác lượng dầu mỏ ước lượng trên 1,4 tỷ thùng. Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, thu hút trên 80% lực lượng lao động với sản phẩm chính gồm cà phê, chè, ngô, chuối, đường. Ngoài ra, U-gan-đa còn có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá và công nghiệp chế biến sữa. Công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến, tiếp đó là dệt may, sản xuất xi-măng, sắt, thép, phụ tùng xe vận tải, phân bón, sản xuất hàng mỹ nghệ...
U-gan-đa đang thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ, ưu tiên phát triển nông nghiệp và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), thực hiện Tầm nhìn 2040 trở thành nước có thu nhập trung bình, triển khai các chính sách thương mại - đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Năm 2018, kinh tế U-gan-đa bắt đầu khởi sắc, tăng trưởng GDP đạt 6,1% (tăng 30% so với giai đoạn từ 2010 - 2016) và đã được Liên hợp quốc ghi nhận nỗ lực giảm tỷ lệ nghèo đói trung bình từ 70% xuống còn khoảng 20% dân số.
Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, U-gan-đa vẫn nằm trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 với 3%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế U-gan-đa 3,4%, GDP đạt 40,43 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 894 USD (2021, theo Ngân hàng Thế giới).
Nền kinh tế của U-gan-đa dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% năm 2022 do mở cửa hoàn toàn vào tháng 01 năm 2022 sau khi dỡ bỏ các lệnh phong tỏa liên quan đến đại dịch. Các ngành dịch vụ và công nghiệp dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính năm 2022.
U-gan-đa xếp hạng 159/189 về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020. Giáo giục tiểu học là bắt buộc và miễn phí cho trẻ em dưới 14 tuổi. Tỷ lệ biết đọc và viết tương đối cao với khoảng 76,53% tổng dân số trên 15 tuổi biết chữ. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của U-gan-đa được xếp hạng 149/191 quốc gia trên thế giới.
U-gan-đa theo đường lối trung lập, không liên kết; tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và giải quyết một số cuộc xung đột tại châu Phi; có quan hệ hợp tác phát triển với Trung Quốc và Mỹ. U-gan-đa là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố; có hơn 10.000 binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Xô-ma-li và Nam Xu-đăng.
U-gan-đa là thành viên của Liên hiệp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Thị trường chung Đông Nam châu Phi (COMESA), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), Interpol… U-gan-đa từng là ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 1986, 1981 - 1982, 2009 - 2010 và sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Phong trào Không liên kết nhiệm kỳ 2023 - 2026.
Việt Nam (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và U-gan-đa thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 09/02/1973. Trong lịch sử, Lãnh đạo và nhân dân U-gan-đa tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, cụ thể như: thành lập Uỷ ban U-gan-đa đoàn kết với Việt Nam; ra Tuyên bố chung với Xi-ri về việc hoàn toàn ủng hộ lập trường của Việt Nam và yêu cầu Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Việt Nam nhân chuyến thăm Xi-ri của Tổng thống U-gan-đa đầu những năm 70; lên án chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Mỹ Ni-xơn; Ngoại trưởng U-gan-đa lên án Mỹ tàn sát nhân dân Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 29 năm 1974.
Đến nay hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm U-gan-đa. Đại sứ quán U-gan-đa tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam. Từ năm 2017, Việt Nam chính thức cử ông Kinh Mu-len-ga Au-gút-xtút Xi-giơ (King Mulenga Augustus Ceasor) người U-gan-đa làm Lãnh sự danh dự tại U-gan-đa.
Từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Đoàn Việt Nam thăm U-gan-đa gồm có: Đặc phái viên của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Lê Quang Chánh (9/1970); Đoàn Đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Đại sứ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại I-rắc Huỳnh Phan dẫn đầu (8/1972); Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (10/1973); Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng, Đặc phái viên của Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi tại U-gan-đa (7/2010).
Đoàn U-gan-đa thăm Việt Nam: Đại sứ không thường trú của U-gan-đa trình quốc thư lên Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1974); Phó Thủ tướng Mu-gan-goa Ca-du-ra Hen-ri (Muganwa Kajura Henry) (9/2014); Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Hen-ri Ô-ri-em Ô-ki-lô (Henry Oryem Okello) (01/2019); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Mờ-ba-li-bu-li-a Cờ-rít-tô-phơ Ki-ban-gian-ga (Mbalibulha Christopher Kibanzanga) (3/2019); Tổng thống Giô-uê-ri Mu-xê-vê-ni quá cảnh tại Hà Nội trên đường thăm Nhật Bản (8/2019).
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư: Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 14,3 triệu USD, tăng 39,8% so với năm 2020. Việt Nam xuất chủ yếu sắt thép, sản phẩm dệt may, máy móc, thiết bị và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện; và nhập chủ yếu thức ăn gia súc và nguyên liệu, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ. Trước đó, kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 10,28 triệu USD, giảm mạnh so với mức 21,3 triệu USD năm 2018.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2022, U-gan-đa đầu tư trực tiếp 03 dự án với tổng vốn đầu tư 90.000 USD trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam có 02 dự án đầu tư sang U-gan-đa với tổng mức đầu tư 35,5 triệu USD trong các lĩnh vực khai khoáng và xây dựng .
Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. U-gan-đa ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016; 2023 - 2025); Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2017 - 2021); Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc ECOSOC (2016 - 2018); Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 - 2021)…
U-gan-đa đã cử các đoàn thăm Việt Nam như: Đại sứ U-gan-đa tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam sau khi trình Quốc thư đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) (8/2018); Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản U-gan-đa thăm, làm việc với Bộ NN&PTNT (3/2019), thăm thực địa vùng sản xuất cà phê tại Đắk Lắk, ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản; Ủy ban phát triển cà phê U-gan-đa cùng một số đại biểu Quốc hội U-gan-đa thăm và làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê (10/2019).
Cộng đồng Việt Nam tại U-gan-đa hiện có khoảng 250 người, chủ yếu buôn bán các mặt hàng bông, gỗ, khoáng sản nhưng hầu hết kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19 nên một phần người Việt Nam sinh sống, làm ăn buôn bán ở đây đã về nước.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống U-gan-đa Giô-uê-ri Ka-gu-ta Mu-xê-vê-ni diễn ra trong bối cảnh các nước châu Phi, trong đó có U-gan-đa coi trọng thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi nói chung, cũng như U-gan-đa nói riêng cho đến nay phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế… Chuyến thăm cấp nguyên thủ đầu tiên giữa hai nước sẽ là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - U-gan-đa; mở ra nhiều không gian hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai quốc gia Á - Phi trong tương lai.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến sau lễ đón, hội đàm và chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai nước, Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni sẽ đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; thăm và làm việc với Tập đoàn FPT, Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Uganda.