Trong 1 tháng tổng rà soát kiểm tra, Hà Nội xử phạt 2.781 trường hợp vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:00, 25/11/2022

Sau 1 tháng triển khai tổng rà soát, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, toàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra 72.915 cơ sở (đạt 54,25% chỉ tiêu toàn đợt); xử lý vi phạm 2.781 trường hợp, với tổng số tiền phạt hơn 30 tỷ đồng.
pccc.jpg
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, thực hiện Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 của Bộ Công an, qua 1 tháng triển khai thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn, từ ngày 15/10 - 12/11, đơn vị này đã kiểm tra 65.887 cơ sở (đạt 50% chỉ tiêu toàn đợt) phát hiện, ban hành 3.522 quyết định xử phạt xử phạt trên 4.431 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt 28.826.750.000 đồng. Đồng thời, đơn vị tham mưu chính quyền các cấp ban hành 18.520 văn bản kiến nghị; tạm đình chỉ hoạt động 643 cơ sở, đình chỉ hoạt động 339 cơ sở...

Với những kết quả đã đạt được, lãnh đạo UBND TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu UBND và lực lượng Công an các cấp trên địa bàn quán triệt triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 513 của Bộ Công an và văn bản số 3447 ngày 17/10/2022 của UBND Thành phố; tổ chức giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND cấp huyện phụ trách công tác PCCC phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện chỉ tiêu hằng ngày của UBND cấp xã. Hàng tuần, tổ chức giao ban với Chủ tịch UBND cấp xã để đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu theo tuần, từ đó kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, kiểm điểm việc thực hiện.

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã chậm triển khai, không tổ chức kiểm tra hoặc không có biện pháp xử lý vi phạm đối với các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về PCCC trên địa bàn quản lý. Kết thúc đợt tổng kiểm tra, Chủ tịch UBND cấp huyện phải cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về số lượng, danh sách cơ sở, khu dân cư trên địa bàn quản lý; công an cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã phải ký cam kết về số lượng, danh sách cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về PCCC.

Theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, trong thời gian tới, đơn vị này tiếp tục quán triệt, giao nhiệm vụ đến các đơn vị nghiệp vụ, công an cấp huyện, công an cấp xã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương để chỉ đạo các đơn vị có liên quan cùng vào cuộc, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch của Bộ Công an và UBND Thành phố.

Công an TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Công an, theo tinh thần “cuốn chiếu”, rà soát đến đâu kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả đến đó. Khi phát hiện cơ sở mới phải lập danh sách, bổ sung ngay chỉ tiêu vào tuần kế tiếp để triển khai thực hiện; xử lý nghiêm đối với 100% hành vi vi phạm về PCCC. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền trong đợt tổng rà soát, kiểm tra để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, đồng thời chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo và chịu trách nhiệm về tiến độ, tính chính xác của các số liệu cung cấp.

Đáng chú ý, sau ngày 15/12/2022, địa bàn nào để sót, lọt cơ sở mà không đưa vào diện quản lý, công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đưa vào hoạt động, không đạt kết quả kiểm tra theo tiến độ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã.

Trường hợp để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố; đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong công tác quản lý nhà nước theo quy định.

Minh Lâm