Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 08:36, 26/11/2022

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi khảo sát thực địa và làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về tình hình thực hiện dự án, bảo đảm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giúp quá trình tổ chức, triển khai dự án Vành đai 4 thuận lợi.

Ngày 25/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã đi khảo sát thực địa và làm việc với hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về tình hình thực hiện dự án, trọng tâm là tình hình, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Tham gia buổi khảo sát và làm việc với đoàn có đại diện các bộ, ngành liên quan; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa…

vanh-dai-4.jpg
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khảo sát thực địa vị trí đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận thành phố Bắc Ninh

Đoàn đã khảo sát thực địa tại một số nút giao, vị trí quan trọng xây dựng tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên như: Vị trí giao với Quốc lộ 38 trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; vị trí giao Đê tả sông Hồng - đầu cầu Mễ Sở tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; vị trí ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên...

Trên địa phận tỉnh Bắc Ninh, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn 3 huyện Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh với tổng chiều dài khoảng 35,3 km; gồm 25,6 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nhánh kết nối đường Vành đai 4 với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Tổng vốn đầu tư đường Vành đai 4 tại tỉnh Bắc Ninh là 5.274 tỷ đồng. Đến nay, các huyện của Bắc Ninh có dự án đi qua đã thành lập hội đồng GPMB; hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng đất, đề xuất khu tái định cư...

Trên địa phận tỉnh Hưng Yên, đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội chạy qua 4 huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm với tổng chiều dài 19,3 km. Tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.245 tỷ đồng. Đến nay, 4 huyện đang triển khai công tác trích đo giải thửa, rà soát, quy chủ đối với đất nông nghiệp và đất ở; đã hoàn thành đề xuất nhu cầu bố trí tái định cư, lập điều chỉnh quy hoạch...

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác thành phố Hà Nội đã làm việc và trao đổi trên thực địa với lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên nhằm thống nhất một số nội dung quan trọng, tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, tái định cư...

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị sớm tổ chức họp Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tổng hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; có chỉ đạo thống nhất để các tỉnh làm căn cứ phê duyệt các dự án thành phần...

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trước mắt tỉnh sẽ ứng tiền ngay để phục vụ di dời mồ mả trước dịp 23 tháng Chạp (Âm lịch) nhằm phục vụ GPMB dự án. Tới đây, tỉnh sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang, xây dựng khu tái định cư để phục vụ công tác GPMB; đồng thời thống nhất các nội dung với Hà Nội và Bắc Ninh để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai dự án.

“Dù biết rất khó khăn, nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6-2023, bàn giao ít nhất 70% mặt bằng”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nêu rõ.

vanh-dai-4-hung-yen.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cùng đoàn khảo sát thực địa Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Tại buổi khảo sát, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra phía trước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác GPMB, tái định cư; trong khi nguồn vốn Trung ương dành cho GPMB chưa được cấp, cần thiết phải thực hiện cơ chế tạm ứng.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhất trí với ý kiến của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên giao cho các cơ quan chuyên môn 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) tổng hợp báo cáo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị, 3 tỉnh thành có dự án Vành đai 4 chạy qua cần thường xuyên tăng cường trao đổi, phối hợp, vận dụng giải pháp tạm ứng ngân sách bảo đảm đúng quy định pháp luật, giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Đồng chí cũng đề nghị, ba địa phương tăng cường phối hợp thường xuyên, cộng đồng trách nhiệm, bám sát chặt chẽ hơn nữa từng phần việc; vận động, tuyên truyền, tạo niềm tin để nhân dân đồng hành, ủng hộ để bảo đảm tiến độ dự án.

Nguyên Lâm