Đánh giá cao, đầu tư thấp trong phát triển năng lượng tái tạo

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:31, 07/12/2016

(Moitruong.net.vn)

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn phát triển năng lượng tái tạo không thể thiếu thị trường điện cạnh tranh. Việc phát triển thị trường điện cũng tạo điều kiện cho các nguồn năng lượng khác xuất hiện và phát triển, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp.

Năng lượng tái tạo: Thiếu chính sách thu hút

Theo ước tính của Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, sinh khối và gió… với công suất 37.818 MW, gần tương đương với công suất hiện tại của hệ thống điện quốc gia. Tuy vậy, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ KH&ĐT: Việt Nam còn thiếu những chính sách thu hút các dự án điện tái tạo do giá thành điện mua thương phẩm quá thấp, không có lợi cho nhà đầu tư. Thị trường điện chưa đảm bảo được tính độc lập của các doanh nghiệp trong các khâu sản xuất – truyền tải – phân phối.

images1764803_anh_minh_hoa__3_

Giá thành sản xuất năng lượng tái tạo trên thế giới đang giảm

Hiện nay, giá bán điện của Việt Nam vẫn do Nhà nước quy định là 6,8 cent/kWh, thực chất không phản ánh đúng giá thành sản xuất. Hơn nữa, chưa có cơ chế đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá bán điện năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư dự án điện chỉ có thể bán điện cho EVN và các đơn vị trực thuộc theo mức giá quy định, nhà đầu tư chưa được phép bán điện trực tiếp thông qua hợp đồng với giá thỏa thuận…

Để thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đưa ra phương án nhập khẩu công nghệ bảo vệ môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than và các nhà máy tua bin khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu. Mặc dù thế, ngay cả công nghệ điện than hiện đại nhất – Chu trình hỗn hợp khí hóa phát điện (IGCC) chỉ có thể giảm tối đa 20% lượng phát thải, nhưng lại có chi phí cao hơn 35% so với công nghệ truyền thống, đồng thời rất phức tạp về mặt kỹ thuật (báo cáo ngày 14/11/2016 của Kiko Network). Như vậy, nhiều khả năng giá cả sẽ không còn là lợi thế của điện than khi so sánh với điện từ năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, theo ông Phạm Đức Chung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM), trong 5 năm tới, ước tính vốn đầu tư cho ngành điện là hơn 858 nghìn tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD (trung bình 7,9 tỷ USD/năm) nhưng phần lớn nguồn lực đầu tư này tập trung để xây dựng các nhà máy nhiệt điện lớn, không thấy dự án điện tái tạo lớn nào.

Cần công bằng với điện từ năng lượng tái tạo

Các chuyên gia cho rằng, năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả phải là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam khi dừng điện hạt nhân. Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, trong tổng nguồn điện, tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức cao (từ 37 – 40%) chủ yếu là nhờ nguồn thủy điện, còn các nguồn năng lượng khác không đáng kể. Nhưng trong tương lai, các thủy điện nhỏ không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam.

Để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh một cách hiệu quả, theo ông Phạm Đức Trung, cần tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo tính độc lập đầy đủ giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối với các nhà điều hành truyền tải.

Đồng thời, bảo đảm tất cả các nhà sản xuất và phân phối đều có quyền tiếp cận công bằng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia và tiếp tục nâng cao tính độc lập của Cục Điều tiết điện lực, nâng cao năng lực của Cục Quản lý cạnh tranh; áp dụng triệt để theo chính sách giá điện cạnh tranh, thỏa thuận theo chính sách thị trường.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, tồn tại lớn nhất khiến thị trường điện chưa vận hành theo đúng thị trường cạnh tranh đích thực chính là giá điện chưa minh bạch. Vì vậy, giá điện phải tách biệt phần chi phí sản xuất và phân phối điện ra khỏi cấu phần khác của điện. Giá điện hình thành theo chính sách, còn chi phí theo cạnh tranh. Theo đó, thị trường quyết định chi phí sản xuất, còn giá bán do Nhà nước quyết và phải được phân định rõ, đồng thời giải thích công khai, minh bạch để khách hàng sử dụng và người dân nắm được. Việc minh bạch giá điện cần thực hiện theo hướng các nhà sản xuất công bố giá bán và chi phí sản xuất để người dân lựa chọn. “Phải trao quyền mua cho người dân và doanh nghiệp theo đúng nghĩa họ được tự lựa chọn, chứ không bắt buộc phải mua điện từ một nhà cung ứng theo một giá bán độc quyền như hiện nay”, ông Cung nhấn mạnh.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong điều kiện EVN vẫn giữ vị trí độc quyền mua và phân phối truyền tải điện như hiện nay thì giá thành sản xuất, giá truyền tải và phân phối điện cần được công khai, kiểm toán rõ để đảm bảo giá điện đến tay người tiêu dùng là hợp lý.

Đồng thời, đây là cơ sở để người dân có thể kiểm chứng các yếu tố chi phí đầu vào mỗi khi  EVN đề xuất tăng giá điện.

Thu Hà(T/H)

Thu Hà(T/H)