Chơi ở đâu khi đến Hà Nam?
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 15:30, 27/11/2022
Hà Nam là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách mỗi dịp cuối tuần. Vì chỉ cách Hà Nội hơn 1 giờ xe chạy, Hà Nam được xem là làm một trong những điểm đến ngắn ngày hoàn hảo và phù hợp nhất. Nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng Việt Nam, Hà Nam được thiên nhiên ưu ái rất nhiều cảnh đẹp tự nhiên cùng nhiều công trình kiến trúc lịch sử và du lịch tâm linh. Nhờ đó, du lịch Hà Nam ngày một phát triển và đây sẽ là một lựa chọn thư giãn không khiến bạn thất vọng.
Chùa Tam Chúc
Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nằm tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km và là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách nhất cả nước, nối giữa khu du lịch chùa Hương, khu du lịch Bái Đính và khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long.
Vườn cột kinh là những cột kinh phục dựng giống bảo vật quốc gia cột kinh của chùa Nhất Trụ, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện có 32 cột kinh cao 13,5 m, rộng khoảng 2 m, nặng khoảng 200 tấn.
Điện Tam Thế cao 39 m, sàn rộng 5.400 m2, đủ cho 5.000 phật tử hành lễ cùng một lúc. Trong điện đặt 3 bức tượng Phật bằng đồng tượng trưng cho "Quá khứ, hiện tại, tương lai". Mỗi bức có trọng lượng hơn 200 tấn, phía sau mỗi bức tượng là lá bồ đề dát vàng.
Chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh được làm hoàn toàn bằng đá granit đỏ, bên trong thờ tượng Đức Phật bằng hồng ngọc nặng 4.000 kg. Để lên chùa, du khách phải leo lên 299 bậc thang đá. Từ đây, bạn có thể ngắm toàn cảnh chùa Tam Chúc.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan Điện Quán Thế Âm Bồ Tát, nơi đặt pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn hay điện Pháp Chủ với tượng đồng nguyên khối 150 tấn. Các điểm tham quan khác là đình Tam Chúc và khu vực hồ Lục Nhạc.
Chùa Bà Đanh - núi Ngọc
Vị trí: Thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đặc điểm: Chùa Bà Đanh hay còn gọi là Bảo Sơn tự thờ Bà Chúa Đanh (thần Pháp Vũ). Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này nằm cạnh hòn núi Ngọc nên thơ, cách thành phố Phủ Lý 10km, hướng chính nam nhìn thẳng ra dòng sông Đáy, được thiên nhiên ưu ái bao quanh bởi khung cảnh trời mây sông nước hữu tình cùng vẻ tịch mịch vô cùng thanh tịnh. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện liêu trai, sự tích kì lạ xoay quanh sự vắng vẻ nổi tiếng của mình; mà tâm điểm là tượng Bà Đanh (thần Pháp Vũ). Đến vãn cảnh chùa, du khách còn có thể hỏi chuyện các sư thầy để được nghe thêm nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh nguồn gốc và lịch sử của chùa Bà Đanh.
Sau khi tham quan vãn cảnh chùa, du khách hãy xuống bến nước uy nghiêm lát đá xám trắng của chùa bên bờ sông Đáy nên thơ, ngắm nhìn khung cảnh sơn thủy hữu tình, thả mình vào thiên nhiên trong lành tránh xa những khói bụi ồn ào bon chen nơi phố thị. Nếu còn thời gian, xin hãy đi qua vườn cây trái xum xuê có cây si già ngàn năm tuổi để lên đỉnh núi Ngọc, ngắm nhìn toàn cảnh sông nước mây trời từ trên cao.
Câu chuyện vì sao chùa bà Đanh lại vắng khách đến nay vẫn không có đáp án. Do chùa linh thiêng hay do vị trí không thuận tiện đi lại? Có lẽ sẽ chẳng ai biết câu trả lời thật sự là gì, chỉ là khi muốn tìm một nơi để thanh lọc tâm hồn, tìm cho mình chút sự bình yên thì hãy nhớ đến ngôi chùa vắng vẻ Bà Đanh của Hà Nam nhé.
Đền Trúc - Ngũ Động Sơn
Vị trí: thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đặc điểm: Quần thể đền Trúc - Ngũ Động Sơn thờ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, tọa lạc giữa không gian xanh mát sơn thủy hữu tình, có núi có sông ,có hang động kỳ thú, nằm giữa rừng Trúc nên thơ. Tương truyền, vào năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt đi chinh phạt qua thôn Quyển Sơn. Bỗng nhiên có trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cột buồm rồi cuốn lá cờ của đoàn quân lên đỉnh Núi Cấm. Lý Thường Kiệt thấy lạ bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ làm lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng. Ông đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn. Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc, dân làng đã lập đền thờ ở chính nơi ông mở hội, đó là đền Trúc ngày nay.
Ngôi đền được làm bằng gỗ lim, xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm cổng đền, tiền đường và hậu cung, xung quanh rợp bóng trúc. Cạnh đền Trúc là ngọn núi Cấm hay còn gọi là núi Cuốn Sơn gắn với sự tích xa xưa. Men theo đường mòn lên đỉnh núi, du khách sẽ tìm thấy một bàn cờ thiên tạo bằng đá rất đặc biệt cũng như được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh hữu tình. Trong lòng núi Cấm là hệ thống Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn dài hơn 100m với cấu trúc các động đa dạng cùng nhiều loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng.
Hàng năm, lễ hội đền Trúc diễn ra từ ngày mồng 1 tháng Giêng đến ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ cổ truyền, trò chơi dân gian hấp dẫn, múa hát Dậm và đua thuyền. Đền Trúc - Ngũ Động Sơn chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cuối tuần mới lạ cho du khách.
Đình đá Tiên Phong
Đình đá Tiên Phong thuộc thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên. Đình thờ Nguyệt Nga công chúa - nữ tướng của Hai Bà Trưng. Đình có kiến trúc độc đáo và được chạm khắc nghệ thuật công phu. Nhờ vậy mà mang vẻ đẹp mềm mại, sống động và độc đáo. Đây là một trong số ít ngôi đình được làm bằng đá còn giữ được đến ngày nay.
Chùa Long Đọi Sơn
Nhắc đến chùa cổ Hà Nam thì phải kể đến chùa Long Đọi Sơn. Chùa rêu phong cổ kính, tuổi đời đã gần 1.000 năm, thuộc địa phận xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà nam, giữa một vùng chiêm trũng nhô lên một quả núi mang tên núi Đọi. Trải qua gần 1.000 năm tuổi, ngôi chùa cổ còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá. Trong đó, quý giá nhất là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - bia cổ gần 900 năm tuổi, đặt trước Tòa Tam bảo - ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý, đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Nhà Bá Kiến
Có lẽ trong số chúng ta đều từng biết đến Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở trong áng văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Khi tận mắt chứng kiến nhà Bá Kiến, du khách như một lần nữa được sống lại những năm 40-45 của thế kỉ trước.
Nhà của Bá Kiến có địa chỉ thuộc xóm 11, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nhà của Bá Kiến được xây dựng với kiến trúc đặc trưng vùng quê Bắc Bộ, gồm 4 hàng cột, với hơn chục cây gỗ lim cổ thụ quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Vì vậy đã qua trăm năm nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét nguyên sơ, cổ kính của nó.
Ao Dong
Được đắp nặn từ sự tinh tế của đất trời, Ao Dong mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ đến lạ kỳ. Nơi đây được bao bọc bởi những dãy núi cao, chính vì vậy Ao Dong cực kỳ mát mẻ vào mùa hè. Cò trắng, sơn dương cùng nhiều loài chim đã tạo nên bức tranh bừng sức sống. Ao Dong thuộc địa phận xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam.
Chùa Địa Tạng Phi Lai tự
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự trước gọi là chùa Đùng nằm trên một ngọn đồi nhỏ, phía sau là rừng thông xanh mát. Chùa thuộc thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam.
Tên gọi chùa do Đại đức Thích Minh Quang đặt hàm ý chỉ đây là nơi Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát quay trở về hoặc không quay trở về. Mà nơi nào Đức Địa Tạng không quay lại nghĩa là nơi đó hóa Phật.
Du lịch Hà Nam nùa nào đẹp nhất?
Mỗi mùa, mỗi thời điểm Hà Nam đều mang vẻ đẹp khác nhau, vì vậy, bạn có thể lựa chọn du lịch bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, ở Hà Nam rất nhiều điểm du lịch tâm linh cùng những hoạt động văn hóa giải trí đa dạng nên bạn có thể cân nhắc đến du lịch Hà Nam vào khoảng mùa xuân, khoảng tháng 2 và tháng 3. Thời điểm này sẽ có rất nhiều lễ hội diễn ra, không khí lễ hội và nhộn nhịp sẽ là một trải nghiệm thú vị dành cho bạn.