Hai tư liệu Việt Nam được ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 22:37, 26/11/2022

Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam được ghi danh năm 2022 gồm Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943).

Vào 12h30 (tức 10h30, giờ Việt Nam) ngày 26-11, tại kỳ họp thứ 9 diễn ra ở thành phố Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua 2 hồ sơ của Việt Nam gồm: “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” để ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kỳ họp lần này được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp, gồm 116 đại biểu đến từ 20/28 quốc gia thành viên tham dự. Đoàn Việt Nam có đại diện của Ủy ban UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hà Tĩnh tham dự.

bia.jpg
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.

Sau ba ngày làm việc liên tục, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua 12/13 hồ sơ ghi vào Danh mục Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương.

Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam được ghi danh năm 2022 gồm Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943).

Với việc có thêm 2 Di sản tư liệu được ghi danh, đến nay Việt Nam đã có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, Di sản “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là kho tàng 78 bia ma nhai bằng chữ Hán và chữ Nôm, được các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, thông qua các dạng thức: Ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối…, với kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ… Di sản được xác định là tư liệu cực kỳ chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam. Trong đó, có tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc. Sự kiện này cũng đã được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên…

van-ban-han-nom.jpg
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi nhận là Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với di sản Bia ma nhai, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi danh lần này là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm: 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng và 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943. Đây là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục tại một làng quê miền Trung Việt Nam, giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.

Với giá trị nguyên gốc, độc bản, nguồn gốc rõ ràng về các sự kiện liên quan…, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách. Chính vì vậy nhiều thông tin từ đây có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam, cũng như từ các sách khảo cứu như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.

Lan Anh