Phát triển “kinh tế xanh” để bảo vệ môi trường

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:44, 23/11/2016

(Moitruong.net.vn)

– “Kinh tế xanh” là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Đồng thời, nó là chiến lược kinh tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế gắn với môi trường

Sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn, đã tạo ra những vấn đề cấp bách đối với môi trường. Đặt gánh nặng lên các Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia về kinh tế, kinh tế xanh được hiểu một cách đơn giản, là nền kinh tế ít phát thải các bon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội. Các hoạt động trong nền kinh tế xanh tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người, đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường, 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

untitled12

Phát triển kinh tế gắn với môi trường

PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, giảng viên khoa phát triển bền vững Học viện Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), đưa ra quan điểm rằng tiếp cận kinh tế xanh không thay thế cho phát triển bền vững mà là một cách thức thực hiện phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ tài nguyên và môi trường.  

Theo quan điểm của Liên Hợp quốc, bảo vệ môi trường là những hành động thực hiện nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, phòng ngừa hay giảm thiểu những tác động tiêu cực do các hoạt động kinh tế và xã hội của con người gây ra cho môi trường. 

Nghiên cứu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên cho thấy, việc đánh giá tác động của phát triển kinh tế đến vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên và ngược lại. Từ đó giúp cho các nhà quản lý ra quyết định chủ động lựa chọn những phương án khả thi và tối ưu về kinh tế cũng như kỹ thuật trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mình. Đồng thời sẽ giúp chúng ta kết hợp một cách thông minh giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên để có sự phát triển thực sự bền vững. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định, nền kinh tế Việt Nam nói chung và nông nghiệp nói riêng trong vòng 15 năm qua đã có bước phát triển vượt bậc. Nông nghiệp thậm chí còn xuất siêu liên tục trong 15 năm. Kinh tế tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo nhưng kéo theo đó là các hệ lụy về môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, đất đai xói mòn, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng…

“Nói một cách hình tượng thì “dấu chân sinh thái” của chúng ta đã vượt quá năng lực tài nguyên của đất nước. Chúng ta cần nỗ lực để phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, TS.Khôi khuyến cáo.

Giải pháp để phát triển kinh tế xanh

Shim, Chủ tịch Diễn đàn Con người và Môi trường Hàn Quốc (HEF) chia sẻ, trong 30 năm qua, Hàn Quốc đã có sự phát triển thần kỳ, trở thành một nền kinh tế phát triển tại châu Á nhưng Hàn Quốc vẫn làm tốt việc bảo vệ môi trường. Hàn Quốc đã có những quy định rất khắt khe trong việc sử dụng các loại nhiên liệu gì, quy định về khí thải nhà kính ở mức nào, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về nước thải, khí thải công nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đã áp dụng những công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất để bảo vệ môi trường.

Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển kinh tế thành công nhưng không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi cách. TS. Shim cũng mong muốn có sự hợp tác trong việc phát triển kinh tế xanh trong khối doanh nghiệp giữa hai nước để cùng hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, để thực hiện được kinh tế xanh không phải là điều đơn giản. Theo chia sẻ của ông Vũ Trọng Thắng, Phó Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nhiều doanh nghiệp và hộ cá thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sạch hiện nay gặp khó khăn, phải thu hẹp hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do không đủ tài chính để duy trì hoạt động.

Ông Thắng cũng đề xuất một số biện pháp để giúp doanh nghiệp và hộ sản xuất vững bước theo con đường kinh tế xanh như: Chính quyền địa phương sớm rà soát, công bố, ổn định tiểu vùng nông nghiệp để ngân hàng sớm thực hiện giải ngân cho hộ sản xuất; Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân; Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, tài sản hình thành trên vốn vay, rủi ro thiên tai; Khuyến khích các hiệp hội nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, kìm giá, ép giá…

Theo chuyên gia đến từ Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, kinh tế xanh còn là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển thêm những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ hiện nay và mai sau. Phát triển kinh tế xanh ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. 

(Theo Tạ Hằng – T/c Môi trường và Cuộc sống)

(Theo Tạ Hằng – T/c Môi trường và Cuộc sống)