Phát triển năng lượng địa nhiệt: Tiềm năng lớn nhưng còn bỏ ngỏ

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:16, 01/08/2016

(Moitruong.net.vn)

– Xã hội ngày càng phát triển thì việc tìm kiếm nguồn năng lượng sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu. Nhưng người ta cứ mãi tập trung vào nhiệt điện, thủy điện, phong điện mà lại gần như quên đi mất một nguồn năng lượng có thể nói là vô tận đến từ ngay dưới chân chúng ta là năng lượng địa nhiệt.

Nguon NLDianhiet

Năng lượng địa nhiệt

Năng lượng địa nhiệt là một dạng năng lượng tự nhiên ở sâu trong lòng đất, phát sinh từ nguồn nhiệt sơ khai trong lòng trái đất, từ nhiệt ma sát do các phiến lục địa trượt lên nhau, và từ sự phân rã của các nguyên tố phóng xạ tồn tại tự nhiên với một lượng nhỏ trong đá. Trữ lượng năng lượng địa nhiệt là rất lớn, nếu không muốn nói là vô tận. Các nhà khoa học đã ước tính rằng chỉ cần 1 phần trăm lượng nhiệt chứa trong lớp 10 km phía trên vỏ trái đất đã tương đương với 500 lần năng lượng mà các nguồn dầu, khí của trái đất mang lại.

Nguồn năng lượng khổng lồ vô tận

Đánh giá về tiềm năng địa nhiệt của Việt Nam, TS Đoàn Văn Tuyến – Viện Địa chất – Viện Khoa học Việt Nam cho biết: “Nước ta có tiềm năng địa nhiệt trung bình so với thế giới. Tuy nhiên lại có ưu điểm là phân bố đều trên khắp lãnh thổ cả nước nên cho phép sử dụng rộng rãi ở hầu hết các địa phương”. 

Hiện nay, nước ta có khoảng trên 200 nguồn nước nóng có nhiệt độ từ 40ºC đến trên 100ºC. Riêng tại Đồng bằng sông Hồng, bồn địa nhiệt tại đây có trữ lượng nhiệt có thể cung cấp lượng điện bằng 1,16% tổng sản lượng điện của cả nước. Riêng tại Hà Nội, sản lượng điện thương phẩm hiện ước tính 5 tỷ kWh mỗi năm, phân nửa trong số này dùng cho điều hòa. Nếu dùng công nghệ bơm nhiệt đất (giá tương đương lắp điều hòa nhiệt độ) sẽ tiết kiệm được 0,8 tỷ kWh. Công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm 800 tỷ đồng một năm mà còn giảm phát thải hơn 250.000 tấn CO2.

Ngoài ra, không giống như các nguồn năng lượng tái tạo khác, công nghệ để khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt không quá phức tạp. Để khai thác địa nhiệt ở vùng có nhiệt độ khoảng 200ºC, người ta khoan các giếng sâu từ 3-5km, rồi đưa nước xuống vùng này để khiến nước sôi lên, theo ống dẫn lên làm quay tuabin máy phát điện. Đối với các nguồn địa nhiệt từ 80ºC đến dưới 200ºC có thể dùng trực tiếp để sấy nông thủy sản, sưởi ấm cho các căn hộ, nhà máy… Nguồn địa nhiệt dưới 80ºC có thể dùng để dưỡng bệnh, phục vụ du lịch… 

Cũng theo TS. Tuyến: “Hiện nay, với mức nhiệt như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác theo quy mô nhỏ và phân tán. Theo quan điểm này, chúng ta có thể khai thác địa nhiệt theo ba cách.

Thứ nhất, phát điện công suất nhỏ, nhiệt độ thấp với hệ thống phát điện ORC, Kalina (chỉ cần nhiệt độ khoảng 100ºC). Với mức này, hầu hết trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần khoan sâu 2km xuống lòng đất là đã có thể có nguồn nhiệt phù hợp. 

Thứ hai là khai thác nước nóng địa nhiệt để quy hoạch xây dựng tổ hợp công viên, đô thị nước khoáng nóng – sinh thái phục vụ văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch… đem lại lợi ích kinh tế xã hội, môi trường lớn.

Thứ ba, khai thác bằng công nghệ bơm nhiệt đất (GSHP) để điều hòa không khí và tiết kiệm năng lượng đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường”. Với những xu hướng này, nguồn địa nhiệt của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng lớn nếu được đưa vào sử dụng. 

Rào cản nào ngăn sự phát triển….?

Trong khi các nước đang tận dụng rất tốt nguồn năng lượng địa nhiệt thì chúng ta vẫn chưa có cơ sở khoa học và có đánh giá cụ thể về nguồn năng lượng này.

Việc phát triển nguồn năng lượng này lại gặp một thách thức lớn là đòi hỏi phải có những công nghệ hiện đại cùng với nguồn vốn đầu tư là rất lớn. Do phải khoan rất sâu vào lòng đất nên gây ra những rủi ro tài chính rất cao, ước tính có thể lên tới 2,5 triệu euro cho 1MW công suất theo thiết kế. Bên cạnh đó còn có những rủi ro khác về môi trường như đưa khí độc, chất độc lên mặt đất, tạo biến dạng địa chất. Đặc biệt, kỹ thuật xử lý địa chất cũng rất là phức tạp vì phải tìm kiếm đúng vùng tập trung địa nhiệt thì việc khai thác địa nhiệt mới hiệu quả.

Dù phải đứng trước những thách thức về kinh tế, kỹ thuật như trên, các nhà khoa học về năng lượng địa nhiệt vẫn có những dự báo lạc quan rằng “những rào cản về khai thác địa nhiệt đã và sẽ được vượt qua trong nhiều năm tới”. Vì thế chúng ta có quyền hy vọng tới lúc đó, năng lượng địa nhiệt sẽ thực sự có vị trí quan trọng trong các nguồn năng lượng của tương lai.

(Theo T/c Môi trường và Cuộc sống)

(Theo T/c Môi trường và Cuộc sống)