Siết chặt quản lý khai thác đá vôi

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:17, 12/07/2016

(Moitruong.net.vn)

– Đá vôi là loại đá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đông Bắc, khai thác hợp lý và bảo vệ môi trường, cảnh quan đá vôi phục vụ cho mục đích kinh tế là vấn đề cần quan tâm giải quyết của địa phương và Nhà nước hiện nay.

Khai thác hợp lý và bảo vệ môi trường, cảnh quan đá vôi phục vụ cho mục đích kinh tế. Ảnh: MH
Khai thác hợp lý và bảo vệ môi trường, cảnh quan đá vôi phục vụ cho mục đích kinh tế. Ảnh: MH

Từng bước đi vào nề nếp

Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản  Việt Nam, hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác đá vôi vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) của các địa phương khu vực Đông Bắc đều đã có quy hoạch, các mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng làm cơ sở cấp phép khai thác. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan được thực hiện khá thường xuyên.

Đối với các đơn vị khai thác đá vôi theo Giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT, trong các năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã chú ý đầu tư chiều sâu vào công nghệ, thiết bị khai thác đá vôi gắn với bảo vệ môi trường. Hoạt động khai thác đá vôi đã góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy kinh tế – xã hội, thay đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương, làm thay đổi diện mạo khu vực và đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; tạo việc làm cho người dân địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế, dịch vụ hỗ trợ cho việc khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản phát triển, tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến.

Để các hoạt động khai thác khoáng sản khu vực Đông Bắc đi vào nền nếp, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản  Việt Nam cho biết, từ năm 2012 đến nay, Tổng cục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn các tỉnh khu vực Đông Bắc khá thường xuyên, bao gồm cả các doanh nghiệp khai thác đá vôi. Cụ thể, tại Quảng Ninh, năm 2012, đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản (4 Giấy phép khai thác đá vôi làm xi măng/4 doanh nghiệp); năm 2014, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng kết hợp kiểm tra thăm dò và hậu kiểm đối với một số tổ chức trên địa bàn (1 giấy phép/1 đơn vị); năm 2015, thanh tra hoạt động khai thác, sử  dụng đá vôi (6 Giấy phép/6 đơn vị).

Tại Yên Bái, năm 2016, đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, sử dụng đá ốp lát (21 Giấy phép khai thác đá hoa, đá hoa trắng làm ốp lát/20 doanh nghiệp).

Tại Tuyên Quang, năm 2012, đã thanh tra công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và thực hiện pháp luật trong hoạt động khoáng sản (2 Giấy phép khai thác đá vôi làm xi măng/2 doanh nghiệp); năm 2014, kiểm tra việc khắc phục các tồn tại, vi phạm trong hoạt động khoáng sản của tổ chức hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh (2 Giấy phép khai thác đá vôi làm xi măng/2 doanh nghiệp).

Tại Cao Bằng, năm 2016, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan (6 Giấy phép/6 đơn vị. Trong đó, 1 Giấy phép khai thác đá vôi làm xi măng).

Tại Phú Thọ, năm 2012, đã kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản tại Phú Thọ và Vĩnh Phúc (2 Giấy phép khai thác đá vôi/2 doanh nghiệp); năm 2014, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng kết hợp kiểm tra thăm dò và hậu kiểm đối với một số tổ chức trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình (2 Giấy phép khai thác đá vôi làm xi măng/2 doanh nghiệp); năm 2015, kiểm tra việc khắc phục vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo kết luận thanh tra và thông báo kết quả kiểm tra trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Vẫn còn những hạn chế

Theo ông Lại Hồng Thanh, ngoài những kết quả đạt được, trong hoạt động khai thác, sử dụng đá vôi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Đông Bắc đã thanh tra cũng như các địa phương khác vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế.

Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, một số doanh nghiệp được phép khai thác đá vôi VLXDTT nhưng thu hồi đáng kể đá vôi làm nguyên liệu xi măng, làm vôi công nghiệp (Thái Nguyên, Quảng Ninh…). Điều này vô hình chung, đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị do tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính theo giá bán đá vôi làm VLXDTT mà không phải là giá bán đá vôi nguyên liệu xi măng, vôi công nghiệp, đồng thời, gây thất thu ngân sách Nhà nước do chưa thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với sản lượng đá vôi nguyên liệu xi măng, vôi công nghiệp thu hồi từ các mỏ đá khai thác làm VLXDTT.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác đá vôi làm VLXDTT phần lớn các đơn vị này chưa thực hiện đúng thiết kế mỏ đã phê duyệt (khai thác không cắt tầng, theo kiểu “khấu suốt”; thông số hệ thống khai thác không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn…) ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhất là bụi và tiếng ồn; đặc biệt là có nguy cơ cao về mất an toàn lao động trong quá trình khai thác.

Nhiều khu vực khai thác đá vôi khai thác đá vôi quy mô nhỏ tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh… hoạt động dọc quốc lộ, tỉnh lộ đã khai thác từ lâu làm mất cảnh quan, nhất là cảnh quan du lịch; có những tác động tiêu cực tới các khu du lịch, danh lam, thắng cảnh.

Một số đơn vị chưa thực hiện đúng, không đầy đủ yêu cầu theo Giấy phép khai thác khoáng sản như: chậm hoàn thiện hồ sơ thuê đất để khai thác; chưa lập và nộp thiết kế mỏ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng không đúng theo quy định; một số đơn vị chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường; một số đơn vị khai thác vượt công suất thiết kế nhưng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép để xem xét, điều chỉnh Giấy phép khai thác theo quy định.